Hoa lan Vanda là loài phong lan quý và có hương thơm quyến rũ. Lan Vanda cũng là giống lan có hoa đẹp, lâu tàn và nở quanh năm.
Thế nên, không khó hiểu khi rất nhiều người chọn lan Vanda để trồng trong khuôn viên của gia đình.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Vanda không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu muốn có giò lan Vanda xanh mướt, rễ mập và sai hoa,…
Thì bạn đừng bỏ qua những kiến thức mà Nghiện Lan sẽ chia sẻ ngay sau đây!
Nguồn gốc đáng tự hào của hoa lan Vanda
Phong lan Vanda còn được gọi là “tiao hua” và được phát hiện bởi Alvin Semedo vào năm 1613.
Chúng xuất hiện đầu tiên ở sườn nam của dãy Himalaya thuộc phía nam của Trung Quốc – Ấn Độ.
Rồi phân tán đến các nước Đông Á, Đông Nam Á, New Quinea và bắc Australia.
Tuy nhiên, bạn đừng vì thấy sự phổ biến này mà cho rằng nó “tầm thường”.
Ngược lại, chúng không hề tầm thường mà rất quý hiếm và có nhiều “thành tựu” đáng tự hào.
Nếu bạn còn hoài nghi! Thì hãy xem qua những thành tựu mà lan Vanda đã từng nhận được
- Lan Vanda Miss Joaquim đã giành giải thưởng “loài lan quý hiếm nhất” vào năm 1899.
- Được đất nước Singapore xinh đẹp, trù phú chọn là quốc hoa của đất nước.
- Lan Vanda còn được chọn làm vòng vương miện nổi tiếng tại Hawaii. Nhằm tượng trưng cho sự thân thiện và nét duyên dáng của người dân bản địa.
Tính đến năm 2021, giống lan Vanda đã được công nhận lên đến 80 loài (cả Vanda rừng và Vanda lai tạo).
Và nếu bạn có ý định sưu tập đủ cả 80 loài…. Thì đây là một ý tưởng gần như không thể!
Lí do là: Ngoài các giống lai mắc tiền như Vanda màu lục, Vanda màu oải hương,… Thì một số giống Vanda rừng như “V.Coerulea” đã bị cấm khai thác vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại Việt Nam, phong lan Vanda cũng được yêu thích và được trồng phổ biến từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là 5 loại sau: Vanda liouvillei, Vanda lilacina, Vanda concolor, Vanda pumila, Vanda denisoniana.
Sau đây, là các gợi ý để bạn nhận biết đúng các giống Vanda đang phổ biến ở nước ta.
Cách nhận biết và phân loại lan Vanda
Mặc dù số lượng giống Vanda khá nhiều nhưng có thể phân loại thành 3 nhóm chính:
- Nhóm 1: Nhóm Vanda lá dẹt
- Nhóm 2: Nhóm Vanda lá nửa tròn nửa dẹt
- Nhóm 3: Nhóm Vanda lá trụ tròn
Hãy cùng mình điểm qua đặc điểm của từng loại nhé!
Nhóm Vanda lá dẹt
Nhóm Vanda lá dẹt (strap-shaped leaves) là nhóm Vanda được trồng phổ biến nhất ở nước ta và nhiều quốc gia khác.
Các giống được trồng phổ biến có thể kể đến: Vanda coerulea, Vanda denisoniana, Vanda brunnea, Vanda tessellata, Vanda sanderiana
Để nhận biết đúng nhóm này bạn có thể căn cứ vào các điểm sau.
Nhận biết qua thân lá
Thân của nhóm lá dẹt là dạng đơn thân, có dạng trụ tròn. Chúng mọc thẳng hướng lên và được bao bọc bởi các tầng lá xếp sát nhau.
Lá của Vanda lá dẹt có dạng dải dài, mọc uốn cong hình quạt và bố trí đối xứng xếp lớp rất đều đặn.
Chiều dài lá từ 15 – 25cm, rộng từ 2 – 3,5cm, đỉnh lá được chia thùy ko đều và hơi nhọn đầu.
Nhận diện nhóm lá dẹt qua hoa
Hoa của Vanda lá dẹt thì rất đa dạng về màu sắc. Nhưng có điểm chung là khuôn bông rất to và hầu hết là loại cánh tròn bầu đều nhau.
Nhóm Vanda lá nửa tròn nửa dẹt
Nhóm Vanda lá nửa tròn nửa dẹt (semi-terete leaves) thường được chia ra thành 2 nhóm nhỏ hơn là: Vanda lá nửa và Vanda lá một phần tư.
Đây là nhóm được trồng phổ biến thứ 2 ở nhiều quốc gia khác nhau.
Các giống được trồng nhiều có thể kể đến như: Vanda kimballiana, Vanda tricolor, Vanda amesiana, Vanda Emma Van Deventer, Vanda Majestic,..
Chúng có những đặc điểm chung dễ thấy như sau:
Nhận biết qua thân, lá
Thân của nhóm lan này có dạng trụ tròn, dài từ 60 – 80cm. Mọc thẳng, hướng lên và cũng được bao bọc bởi các tầng lá bên ngoài.
Nhóm Vanda lá nửa tròn, nửa dẹt thân thường có thân ngắn hơn so với giống Vanda lá dẹt. Lá của nhóm lan này rất dày, cứng cáp, mọc sole nhau và có xu hướng chĩa thẳng lên trên rất rõ rệt.
Chiều dài lá khoảng 20 – 28cm, rộng 1 – 1,5cm và thường có đỉnh tròn ở đầu lá.
Nhận biết qua hoa
Hoa của nhóm Vanda nửa tròn nửa dẹt có khuôn bông khá to và 5 cánh cũng khá đều nhau. Tuy nhiên cánh hoa thường không dày bằng nhóm lá dẹt.
Ngoài ra, mình thấy: hầu hết nhóm lan này có của chân cánh hoa hẹp và tách biệt rất rõ không xếp chồng lấn lên nhau.
Nhóm Vanda trụ tròn (lá kim)
Vanda lá trụ tròn hay Vanda lá kim (cylindrical or terete leaves) là nhóm lan Vanda được trồng phổ biến thứ 3 so với 2 nhóm còn lại.
Tuy nhiên lại là nhóm có nhiều giống quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn nhất.
Các giống được trồng phổ biến có thể kể đến: Vanda teres, Vanda hookeriana, Vanda Miss Joaquim,…
Đặc điểm chung để bạn nhận biết có thể dựa vào các điểm sau.
Nhận biết qua thân lá
Thân của nhóm Vanda lá trụ tròn khẳng khiu và có nhiều đốt cách xa nhau hơn 2 nhóm còn lại.
Đốt thân của nhóm Vanda lá trụ tròn thường cách xa nhau từ 4 – 5cm.
Chiều dài thân của nhóm lan này khoảng từ 40 – 60cm. Chúng khá mềm khi còn tơ và có hình dạng hơi zic zắc. Vanda lá kim có lá mọc so le và có chiều dài từ 10 – 20cm.
Hình dạng của lá là kiểu trụ tròn, giúp cây hạn chế tối đa sự thoát nước vì chúng thường sống ở nơi có nhiệt độ rất khắc nghiệt.
Nhận biết qua hoa
Rất khó để nhận biết Vanda lá trụ tròn qua khi quan sát mặt hoa vì hoa của chúng rất đa dạng về hình dáng cũng như màu sắc.
Tuy nhiên khuôn bông của Vanda lá kim thường nhỏ hơn so với 2 nhóm còn lại và độ dày của cánh hoa cũng thường mỏng hơn.
Cách trồng Vanda đơn giản cho người mới tập chơi
Thời điểm trồng
Khác với các giống lan đơn thân như lan Ngọc điểm, Tam bảo sắc,…phong lan Vanda là cây lan không có mùa nghỉ nên có thể trồng được ở hầu hết các mùa trong năm.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, bạn không nên trồng chúng vào mùa đông. Vì hầu hết các loại Vanda là giống ưa nắng. Nên khi trồng vào mùa đông chúng kém ra rễ và kém nảy mầm.
Giá thể phù hợp
Lan Vanda là cây rễ gió, đặc biệt khả năng hút nước và dưỡng chất trong không khí rất mạnh.
Vậy nên, chúng thậm chí không cần giá thể vẫn có thể sống tốt (miễn là bạn cung cấp đủ dưỡng chất cho chúng).
Tuy nhiên, cách chăm sóc lan Vanda không cần giá thể yêu cầu bạn phải thường xuyên theo dõi và kiểm soát tiểu khí hậu tại nhà vườn kỹ lưỡng.
Vậy nên, để đơn giản cách trồng, mình khuyên bạn: khi trồng Vanda vẫn nên có giá thể. Các giá thể trồng phù hợp với Vanda là xơ dừa, dớn, vỏ thông, than củi…
Cá nhân mình thì rất thích trồng lan Vanda với dớn sợi, vì chúng giữ ẩm khá tốt và giá thành cũng rất rẻ.
Sau khi bạn chọn được giá thể ưng ý thì đừng bỏ qua công đoạn xử lí giá thể cho lan Vanda.
Công đoạn sẽ giúp Vanda có được giá thể sạch sẽ, không mầm bệnh từ đó sinh trưởng mạnh hơn khi trồng.
Cách xử lý giá thể thì bạn có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách sau:
- Ngâm với nước vôi từ 3 đến 4 ngày và vớt ra rửa sạch và để ráo.
- Ngâm hoặc phun ướt đẫm giá thể từ 15 – 20 phút bằng dung dịch Benkona với nồng độ 2 ml/1 lít nước.
Chọn cây giống
Chọn cây giống Vanda phù hợp là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua nếu bạn muốn thuần hóa chúng trở nên dễ dàng.
Vậy nên khi chọn Vanda giống bạn cần để ý những điểm sau.
Cách Chọn giống cho Vanda rừng
Khi mua Vanda rừng giống bạn nên chọn các cây lá vẫn còn xanh, có độ bóng bẩy và không bị nhăn nheo.
Ưu tiên chọn các cây có thân đang trong độ tuổi phát triển, không quá non cũng không quá già để cây mau ra rễ mới.
Chọn giống cho Vanda công nghiệp
Bạn nên chọn các giò lan có rễ còn tươi không bị dập gãy, vì những chậu này có sức sinh trưởng rất tốt.
Ngoài ra, hãy ưu tiên chọn các giò lan có ít nhất từ 6 cặp lá trở lên để tối ưu thời gian chăm sóc nhất.
Xử lý cây giống Vanda
Cây giống sau khi được mua về bạn cần xử lý cây giống để tạo tính thẩm mỹ và loại bỏ mầm bệnh nguy hại cho cây.
Cách xử lí cây giống chia làm 2 công đoạn như sau:
Công đoạn cắt tỉa
Dùng dao sắc hoặc kéo bấm cành chuyên dụng để cắt hết các lá hư vàng úa. Đừng ngần ngại cắt hết các rễ đã khô đen hoặc úa vàng vì chúng giờ đây chỉ toàn chứa mầm bệnh.
Có một kinh nghiệm rất hay ở công đoạn này đó là: “Đối với các giò lan giống công nghiệp, bạn nên ngâm chúng vào nước từ 1 đến 2 tiếng. Khi đó cây giống sẽ dễ tháo ra hơn và sẽ đỡ phải hy sinh các rễ còn khỏe mạnh”.
Công đoạn ngâm cây giống
Ngâm toàn bộ cây giống từ 15-20 phút bằng dung dịch Benkona (2ml/ 1,5l) để khử trùng cho cây.
Nếu bạn không có Benkona, thì có thể thay thế bằng nước vôi trong và ngâm từ 20- 30 phút. Khi ngâm đủ thời gian thì bạn nên vớt ra ngay và để ráo từ 1 đến 2 tiếng.
Sau đó lại tiếp tục ngâm cây giống vào hỗn hợp dung dịch B1, Bio Root, Super Thrive.
Tỉ lệ pha của dung dịch phù hợp là: 5 giọt B1, 5 giọt Bio Root và 2 giọt Super Thrive hòa chung 1 lít nước.
Thời gian ngâm phù hợp là 25 – 30 phút mà không nên ngâm quá lâu dễ làm bị cây ngộ độc. Sau khi ngâm đủ thời gian trên, thì bạn lại vớt ra để ráo và có thể đem đi trồng.
Trồng và treo lan Vanda
Công đoạn chuẩn bị
Đây là công đoạn vô cùng đơn giản. Tuy vậy, bạn cũng cần làm thật tốt để không mất quá nhiều thời gian nếu phải trồng số lượng lớn.
Các vật dụng cần thiết để trồng lan Vanda thường dùng là:
- Chậu đất nung hoặc chậu nhựa đã được buộc móc treo.
- Giá thể trồng lan ưu thích cỡ lớn, đã xử lý như: xơ dừa, than củi, vỏ thông, dớn vụn.
- Dây đồng đường kính 5 – 8mm để tạo điểm tựa buộc lan.
- Dây buộc chuyên dụng hoặc là kẹp bướm cho phong lan.
Tiến hành trồng lan
Đầu tiên, bạn dùng dây đồng loại 5 – 8mm để buộc ngang hoặc theo hình chữ thập gần miệng chậu để làm điểm tựa cố định Vanda.
Sau đó, cho giá thể vào ¾ của chậu lan để tạo lớp lót nền thông thoáng. Nhẹ nhàng đặt cây giống dựng thẳng nằm trên giá thể vừa lót.
Các rễ quá dài, thì bạn nên cuộn tròn quanh thành chậu, khéo léo để hạn chế đối đa bị gãy.
Tiếp đến, dùng kẹp bướm hoặc dây buộc lan chuyên dụng để cố định thân cây lan vào dây đồng đã buộc ở bên trên.
Chèn thêm 1 ít giá thể trên cùng nếu thấy cần thiết nhưng phải thật thông thoáng.
Sau khi hoàn thành các bước trên, là bạn có thể mang giò lan ra dàn treo đã chuẩn sẵn.
Rất đơn giản đúng không nào!
Cách chăm sóc lan Vanda đúng cách
Chế độ nước
Trong 2 ngày đầu tiên sau khi trồng, thì bạn không nên tưới nước. Để cây nhanh lành vết thương.
Tuy nhiên, nếu trời quá nắng nóng, nhiệt độ hơn 40 độ C. Thì bạn có thể phun sương để cây không bị thiếu nước dẫn đến rụng lá.
Kể từ ngày thứ 3 bạn có thể tưới nước bình thường với tần suất tham khảo như sau:
- Ngày nắng tưới mỗi ngày 3 lần vào các thời điểm 6h sáng, 10h sáng và 15h30 chiều.
- Ngày mưa thì không nên tưới vì Vanda mới trồng rất dễ bị thối nhũn.
Lượng ánh sáng
Trong 2 tháng đầu tiên cây còn yếu, nên bạn chỉ cần cho cây ăn nắng 30-40%.
Khi cây bước vào tháng thứ 3 thì bạn mới cho cây ăn nắng nhiều hơn từ 60 – 70%.
Tốt nhất là bạn nên che 1 lớp lưới Thái Lan bên trên. Để cây ăn đủ nắng mà không bị bỏng lá.
Khi cây đạt 9 tháng tuổi, thì tùy tình hình của cây, mà bạn có thể cho cây ăn nắng lên đến 80%, để tăng khả năng ra hoa.
Độ ẩm, và nhiệt độ phù hợp
Hầu hết giống lan Vanda đều ưa thích ngưỡng nhiệt độ, độ ẩm sau:
- Nhiệt độ tối ưu để sinh trưởng vào bạn ngày là 23,9 đến 35 độ C.
- Nhiệt độ tối ưu để sinh trưởng vào ban đêm là 15,6 đến 21 độ C.
- Ẩm độ tối ưu để sinh trưởng là 75 – 85% nhưng phải thật thông thoáng.
Chế độ phân bón chi tiết cho vườn Vanda
Trong 2 tháng đầu tiên
Không giống với các giống lan đơn thân khác!
Trong 2 tháng đầu tiên, cây giống Vanda mới trồng rất dễ bị rụng chân lá.
Vậy nên, ngay từ ngày thứ 3 bạn nên phun hỗn hợp B1, Canxi Nitrat để giúp cây không bị rụng lá.
Tỉ lệ pha phù hợp là: 5 giọt B1, 1gr Canxi Nitrat hòa chung 1 lít nước.
Ở các tuần tuần tiếp theo bạn tiếp tục phun hỗn hợp B1, Bio Root và Super Thrive để tiếp tục kích rễ cho lan.
Khi cây bước vào tháng thứ 3
Lúc này, cây đã ra khá nhiều rễ 3 – 5cm nên đã có thể ăn phân. Đây là lúc bạn chuyển hẳn sang bón cho cây phân 30-10-10 và 20-20-20Te.
Tần suất sử dụng là 1 tuần 1 lần và nên sử dụng luân phiên với liều lượng pha như trên bao bì.
Ngoài ra, bạn cũng nên cho cây ăn phân hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây. Loại phân mà cây đặc biệt ưa thích hơn cả là phân bánh dầu.
Vậy nên bạn có thể cho cây ăn phân hữu cơ này 1 tháng 1 lần mà ko sợ độc hại cho cây.
Khi cây bước vào tháng tuổi thứ 9
Nếu thấy cây khỏe mạnh cứng cáp thì bạn có thể thay đổi chế độ phân. Để kết hợp với chế độ ánh sáng giúp kích hoa Vanda hiệu quả hơn.
Các loại phân giúp cây có thêm dưỡng chất để dễ ra hoa là: 10-30-30 Te và 10-50-15+Te. Liều lượng pha thì căn cứ như trên bao bì và nên sử dụng luân phiên 1 tuần/1 lần.
Cách phòng trừ sâu bệnh cho lan Vanda
Phòng trừ côn trùng
Phong lan Vanda rất dễ bị bọ xít và rệp vàng tấn công. Vậy nên cách tốt nhất là bạn nên phun định kì 2 tuần 1 lần hóa chất Movento hoặc Fendona để phòng trừ chúng.
Mình khuyên bạn, hãy sử dụng luân phiên để diệt được nhiều loại sâu bọ khác nhau và để sâu bọ không bị nhờn thuốc.
Phòng trừ nấm, khuẩn
Với đặc tính ưa nắng nên Vanda có sức đề kháng khá cao và ít bị nấm khuẩn tấn công. Tuy nhiên, bạn vẫn nên phun đồng thời thuốc trừ nấm, trừ khuẩn để đề phòng cho vườn lan.
Cá nhân mình rất thích dùng bộ đôi Nano đồng và Nano bạc để phun 2 tuần 1 lần cho cây. Nhưng bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc sau cũng rất hiệu quả:
- Thuốc phòng trừ nấm hiệu quả cho lan là: Topsin, Anvil, Nativo, Ridomilgold,..
- Thuốc phòng trừ khuẩn bệnh hiệu quả cho lan là: Physan, Poner, Starner, Kasumin,…
Cách trị bệnh cho lan Vanda
Đối với dòng lan Vanda, mình thấy chúng hay bị mắc bệnh thối đọt lá. Khi mắc bệnh này, cây lan sẽ có biểu hiện như sau:
Lá có dấu hiệu ủ rũ, trên đọt lá xuất hiện những chấm nhỏ li ti màu xám đen. Khi bị nặng hơn lá dần chuyển sang ngả vàng và các vết thâm lan rộng ra xung quanh loang lổ
Nguyên nhân của bệnh
Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do thừa nước. Tuy nhiên, tình trạng thừa nước chỉ là yếu tố giúp cây dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Nguyên nhân chủ yếu là cây bị vi khuẩn Erwinia Carotovora tấn công qua các vết thương của cây.
Khi gặp nhiệt độ cao, tốc độ lây lan của bệnh này càng mạnh. Mà không bớt đi như các loại vi khuẩn khác.
Biện pháp xử lý
Cách ly cây bệnh khỏi vườn ươm và phun trừ nấm, khuẩn ngay cho vườn lan chưa bị bệnh.
Tiến hành cắt nước từ 7 – 10 ngày cho cây lan bị bệnh.
Đối với cây bị nhẹ:
- Tiến hành tháo bớt giá thể và ngâm cây bệnh vào dung dịch Poner từ 15 – 20 phút và vớt ra treo ngược.
- Sau 2 – 3 ngày, bạn tiếp tục hòa Poner với nồng độ loãng hơn ½ và phun sương cho cây lan.
- Duy trì liên tục 3 ngày phun 1 lần đến khi thấy bệnh dừng hẳn.
- Thực hiện phun bổ sung B12, B1 cho cây cứng cáp và đem đi trồng lại.
Đối với trường hợp nặng:
- Nhanh chóng cắt bỏ triệt để phần thối đi.
- Bóc cây ra khỏi chậu và trong dung dịch Physan (3ml/ 1lít) từ 20 – 30 phút.
- Kế đến, vớt cây ra treo ngược để ráo. Sau 2 ngày thì trồng lại bằng giá thể và chậu mới hoàn toàn.
Bên trên là toàn bộ chia sẻ đầy đủ, về quy trình trồng và chăm sóc hoa lan Vanda.
Hy vọng, bài viết đã bổ sung cho bạn những kiến thức cần thiết, để bạn sẽ chăm được những chậu Vanda rực rỡ sắc màu.
Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại trong những chia sẻ tiếp theo!