Hoa lan Thiên Nga được đánh là một trong những giống lan ngoại, đáng đồng tiền bát gạo cho cả người bán và người chơi.
Giống lan này không chỉ có bông đẹp mà còn nở rất đều đặn (tới 3 lần trong năm nếu chăm sóc tốt).
Ngoài ra, hương hoa của lan Thiên Nga cũng rất quyến rũ và đem đến cảm giác thư thái cho người thưởng lãm.
Nếu bạn là người yêu thích hoa lan! Đừng bỏ qua bài viết của Nghiện Lan dưới đây…để có thể sở hữu được 1 giò phong lan Thiên Nga tuyệt đẹp nhé !
Nguồn gốc thú vị của hoa lan Thiên Nga
Hoa lan Thiên Nga là loại lan khá phổ biến và có nguồn gốc ở Trung Mỹ, Nam Mỹ.
Loài lan này được nhà thực vật người Anh – John Lindley mô tả lần đầu vào năm 1832.
Chúng có tên khoa học đầy đủ là Cycnoches loddigesii và thường được gọi tắt là Cynoches.
Cái tên Thiên Nga cũng mang nhiều điều rất thú vị!
Cụ thể là:
- Cycnoches được ghép bằng 2 từ của tiếng Hy lạp là “Kyknos” và “auchan”. Trong đó “Kyknos” nghĩa là “Thiên Nga”, còn “auchan” có nghĩa là “cổ”.
- Ngoài ra từ “Loddigesii” được đặt theo tên của chủ nhà vườn “Conrad Loddiges and Sons” – người đã gửi mẫu cây giống này cho Lindley.
Tại Việt Nam, các giống lan Thiên Nga được yêu thích là: Thiên Nga đen, Thiên Nga xanh, Thiên Nga vàng, Thiên Nga trắng và Thiên Nga cam,…
Mặc dù chúng là giống lan ngoại, nhưng lại được trồng ở nhiều tỉnh khác nhau ở nước ta.
Trong đó, khu vực trồng nhiều và phổ biến hơn cả là Lâm Đồng và Tây Ninh.
Đặc điểm nhận dạng của lan Thiên Nga
Cây lan Thiên Nga còn khá mới mẻ với nhiều người mới tập chơi lan. Vậy nên, một vài người bị nhầm lẫn loài lan này với lan Kiếm.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhận biết đúng loại lan này. Nếu căn cứ vào các đặc điểm dưới đây!
Nhận biết qua thân
Giống lan Thiên Nga có phần thân ở giữa phình to rất đặc trưng nhìn như 1 điếu xì gà.
Nếu bạn chăm sóc tốt, cây lan sẽ đạt chiều cao khoảng từ 25 – 45 cm. Và đường kính phần to nhất sẽ đạt từ 3 – 6 cm.
Lan Thiên nga là loại đa thân nên thân non thường được nảy từ mầm gốc là chủ yếu.
Khi còn bé thân cây có màu xanh nõn hoặc xanh trắng. Nhưng khi trưởng thành thường có màu xanh tuyền hoặc xanh ngả vàng, kèm theo các sọc trắng mờ dọc theo thân.
Nhận biết qua lá
Mình nhận thấy giống lan này là một trong các loại lan có thân lá hài hòa nhất. Vì khi thân to, thì lá cũng sẽ rất to!
Lá của chúng khá mỏng, dài từ 30 – 45 cm và chiều rộng từ 5 – 7 cm khi trưởng thành.
Các bẹ lá thường xếp chồng lên nhau như kiểu búp măng và ôm trọn lấy thân.
Ngoài ra, lá của chúng khá đặc trưng khi có gân lá nổi cao ở mặt dưới của phiến lá.
Nhận biết qua hoa
Hoa của lan Thiên Nga có dạng chùm và thường nở từ tháng 10 đến tháng 1 dương lịch.
Ngồng hoa thường mọc ở khoảng giữa thân, lên đến ngọn và thường buông rũ xuống.
Mỗi chùm hoa dài khoảng 20 – 40 cm và thường có 7 – 20 bông tùy điều kiện chăm sóc.
Mỗi bông hoa có đường kính từ 4 – 6 cm, gồm 5 cánh đều nhau, xếp khum lại như cánh sen.
Ấn tượng lớn nhất và cũng là đặc điểm giúp bạn dễ nhận biết khi nhìn vào mỗi bông hoa…
Chính là: cánh môi hợp với nhụy có hình dáng như một chú Thiên Nga đang vỗ cánh.
Hoa Thiên Nga nở rất thơm! Nhưng để hưởng hết hương thơm trọn vẹn thì bạn cần thức dậy từ sáng sớm.
Vì hoa của chúng thơm nhất là vào buổi sáng và giảm dần từ trưa đến chiều.
Bạn đã bao giờ trải nghiệm: sáng dậy tập thể dục, rồi được thưởng thức mùi hương thoang thoảng, phảng phất trong gió chưa?
Nếu chưa! Hãy thử trồng ngay một giò Thiên Nga trong vườn nhà!
Đó là một cảm giác tuyệt vời khó tả, rất đáng để bạn trải nghiệm đấy! Vì hương của hoa Thiên Nga không chỉ giúp bạn thư giãn, mà còn làm bạn tỉnh táo đến ngạc nhiên.
Cách trồng lan Thiên Nga chi tiết

Thời điểm trồng
Thời điểm tốt nhất, để bạn tách cây nhân giống hoặc mua về trồng là từ tháng 2 đến tháng 8.
Đây là khoảng thời gian cây bước vào mùa nghỉ và khí hậu khá ấm áp…Nên cây rất nhanh bén rễ, nảy mầm.
Bạn có thể thử trồng vào các thời điểm khác trong năm. Nhưng thường sẽ tốn thời gian hơn để cây có thể ra rễ mới.
Giá thể trồng phù hợp
Không giống với các loại lan đa thân, rễ chùm khác. Lan Thiên Nga chủ yếu được trồng bằng chậu.
Các giá thể trồng lan phổ biến khi trồng Thiên Nga là: than củi, than tổ ong, vỏ thông, dớn vụn, dớn trụ,..
Và tất nhiên, các giá thể này phải được xử lý thật sạch sẽ, mà không được làm qua loa. Vì lan Thiên Nga rất dễ bị đen đầu rễ.
Cách xử lý giá thể được thực hiện đơn giản như sau:
- Dùng nước vôi ngâm giá thể từ 3 – 4 ngày, rồi vớt ra rửa kĩ, để khô.
- Nếu muốn tiết kiệm thời gian, thì có thể thay nước vôi bằng dung dịch Pyshan (2ml/1lít).
Chọn cây giống
Bước chọn cây giống cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng, trong việc trồng và chăm sóc lan Thiên Nga.
Vì một cây lan muốn sinh trưởng tốt, thì trước hết cây giống của chúng cũng phải tốt.
Hiện nay, cây giống Thiên Nga đều được các nhà vườn chăm sóc rất kỹ. Nên tiêu chí chọn cây không quá khắt khe.
Tuy nhiên, khi đặt hàng qua mạng hay mua trực tiếp ở nhà vườn. Bạn vẫn nên lưu ý các điểm sau:
- Nên chọn mua hoặc đặt ở các nhà vườn uy tín để đúng mặt hoa.
- Hãy chọn cây từ năm 2 trở đi để dễ dàng chăm sóc.
- Ưu tiên các cây có nhiều rễ tỏa đều, đầu rễ xanh và không bị đen.
- Lá cây, thân phải thật tươi, và không bị gãy dập, hay có dấu hiệu của sâu bệnh.
Xử lý cây giống
Trước khi trồng, bước đầu tiên, sẽ luôn là xử lí cây giống. Để lan sau này, sẽ hạn chế được các mầm bệnh.
Các bước xử lí cây giống được thực hiện như sau:
- Khi mua cây giống về bạn nên ngâm phần chậu ươm vào nước ấm từ 30 – 40 độ C. Sau khoảng 2 – 3 tiếng là bạn có có thể gỡ cây ra khỏi chậu ươm dễ dàng.
- Tiếp theo, bạn rũ nhẹ bầu cây để loại bỏ các giá thể đã quá cũ và mục. Đối với các lá cây, rễ cây bị hư, bị dập,…thì nên cắt tỉa vì chúng dễ đem đến mầm bệnh cho cây.
- Sau đó, bạn mang cây giống vừa tỉa đi ngâm trong dung dịch Benkona, (nồng độ 2ml/ 1 lít nước), từ 15 – 20 phút để sát khuẩn cho cây.
Nếu không có Benkona bạn có thể ngâm trong nước vôi trong từ 25 – 30 phút cũng rất hiệu quả.
Cuối cùng, bạn để cây ráo nước từ 40 – 50 phút, rồi đem đi ngâm với dung dịch kích rễ.
Cách dùng dung dịch kích rễ cho lan Thiên Nga như sau:
- 5 giọt B1, 10 giọt Hùng Nguyễn, 2 giọt Superthrive, hòa chung với 1,5 lít.
- Thời gian ngâm là từ 20 – 30 phút. Không nên ngâm quá thời gian trên, vì giống lan này rất nhạy cảm với thuốc hóa học.
- Sau thời gian ngâm kích rễ, là bạn có thể mang đi trồng ngay. Hoặc để qua ngày hôm sau rồi mới trồng đều được.
Tiến hành trồng
Loại chậu mình thích nhất khi trồng Thiên Nga giống là chậu đất nung. Vì chúng rất dễ kiếm, giữ ẩm tốt, chi phí phải chăng.
Sau khi đã gắn móc treo vào chậu và chuẩn bị giá thể. Thì bạn cần chuẩn bị các vật tư cần thiết như sau:
- Miếng xốp cỡ bự.
- Đũa gỗ hoặc que thép bọc nhựa cắm lan
- Dây buộc lan chuyên dụng.
- Phân trùn quế siêu khô, siêu cứng.
Thực hiện:
- Bạn bẻ miếng xốp ra thành từng miếng từ 3 – 5 cm để lót dưới đáy chậu.
- Cho 1 phần giá thể vào sao cho đạt chiều cao 2/3 chậu.
- Dùng đũa gỗ hoặc que thép đã chuẩn bị cắm thẳng đứng, xuyên qua giá thể và miếng xốp bên dưới.
- Trong quá trình cắm nhớ giữ và nén bền mặt giá thể để que cắm chắc chắn hơn.
- Nhẹ nhàng đặt cây giống đã xử lí nằm trên bề mặt giá thể và tựa sát vào que cắm.
- Cho các giá thể còn lại vào chậu, sao cho cao gần đến mép chậu.
- Kế tiếp, cho 1 lớp phân mỏng trùn quế trên cùng, xung quanh mép chậu.
- Tuyệt đối không được vùi gốc lan dưới giá thể vì lan Thiên Nga rất dễ thối.
- Cuối cùng bạn cố định cây lan vào que cắm bằng dây buộc lan là xong.
Một lưu ý rất quan trọng nữa là:
- Nếu bạn trồng từ 2 cây trở lên trong một chậu. Thì phải đặt các cây này, song song với nhau, như vậy chúng mới đón được ánh nắng đầy đủ.
- Trong quá trình trồng, bạn có thể kết hợp buộc dây vào các thân già và các dây treo của chậu lan để cây được chắc chắn hơn.
- Nếu bạn buộc dây vào thân tơ. Thì sau khi cây bám chắc rễ, bạn cần phải nới lỏng hoặc gỡ ngay lập tức, nếu không cây sẽ bị thắt cổ thân và dễ bị nhiễm bệnh.
Đến đây thì bạn đã có thể mang cây ra giàn để treo được rồi.
Treo lan Thiên Nga đúng cách
Chỉ là một bước rất đơn giản! Tuy nhiên, không phải chúng ta thích treo lan Thiên Nga như thế nào cũng được đâu nhé!
Cách treo tối ưu nhất, là bạn nên treo sao cho cặp lá của cây lan sẽ nằm ở hướng Đông Tây.
Bằng cách này cây sẽ ăn được nắng cả buổi sáng, buổi chiều và còn giúp cây nhanh chóng khô ráo sau khi tưới nước.
Vị trí treo cũng nên cách xa dàn treo từ 1 – 1,5m. Để cây không bị sốc nhiệt và đạt độ thông thoáng tốt nhất.
Cách chăm sóc lan Thiên Nga đơn giản, hiệu quả
Chế độ nước tưới
Trong 2 ngày đầu mới trồng, mình khuyên bạn không nên tưới cây vội. Hãy cứ để yên để cây làm quen dần với khí hậu và lành các vết thương bị xây xát trong quá trình vào chậu.
Từ ngày thứ 3 trở đi bạn có thể tưới nước định kỳ như sau:
- Nếu trời mát mẻ, thì bạn chỉ cần 3 ngày tưới 1 lần vào sáng sớm. Còn khi trời oi bức và khô hanh, thì tưới ngày 2 lần, vào sáng sớm và buổi chiều mát.
- Lúc trời có mưa phùn thường xuyên, thì 5 ngày bạn tưới 1 lần là đủ. Còn trong trường hợp trời mưa dầm liên tục, thì tốt nhất là không nên tưới vì cây đã quá đủ nước.
- Trong quá trình tưới, bạn nên tưới từ từ dạng phun sương từ tán lá xuống thân, rồi mới đến chậu. Thời gian tưới không quá lâu, cũng không quá nhanh, khoảng từ 10 – 15 phút là đẹp.
Lượng ánh sáng
Thời kỳ đầu mới trồng cây cần ánh nắng vừa phải ở mức 20 – 30%. Khi cây đã có nhiều lá non thì bạn nên cho cây ăn nắng nhiều hơn từ 40 – 50%.
Khi cây bước vào giai đoạn ra hoa, nếu bạn muốn kích hoa hiệu quả thì có thể cho lan ăn nắng lên đến 75%.
Như đã phân tích ở trên, lan Thiên nga thuộc dạng lá mỏng. Nên tất cả chế độ ánh sáng cho cây phải là ánh sáng tán xạ.
Nếu bạn cho lan ăn nắng trực tiếp, cây sẽ bị cháy lá và nhanh chóng bị rụng. Vậy nên, tối ưu hơn cả là cho cây ăn nắng qua dàn treo có lưới che xanh đen của Thái Lan.
Nhiệt độ và độ ẩm
Nhiệt độ ưa thích của phong lan Thiên Nga vào ban ngày là 24 – 30°C và ban đêm là từ 15 – 19°C.
Về cơ bản, cây ưa ấm vừa phải, vậy nên:
- Nếu trời nóng và khô hanh, bạn nên đặt các chậu nước ở dưới nền vườn lan để đảm bảo cây không bị mất nước.
- Còn nếu trời quá lạnh dưới 4 độ C, thì bạn nên mang cây vào trong nhà, bật đèn hoặc trang bị máy sưởi cho vườn lan của mình.
Hầu hết, trong các giai đoạn cây cần độ ẩm ở mức trung bình từ 60 – 70%. Tuy nhiên, ở tháng thứ 6, thứ 7 sau khi trồng, cây phát triển rất sung, nên có thể cần độ ẩm đến 75%.
Lúc này, bạn có thể cân nhắc tăng thêm việc tưới nước. Nhưng phải kiểm soát độ ẩm thật tốt, bằng quạt thông gió nếu không cây dễ bị thối, úng.
Bón phân cho lan Thiên Nga theo từng giai đoạn phát triển
Giai đoạn mới trồng
Với cách trồng của mình, cây đã được chuẩn bị phân trùn quế từ trước.
Nên trong giai đoạn đầu này, mình không hề sử dụng phân hóa học cho lan, mà chỉ tập trung vào việc kích rễ.
Cứ 1 tuần 1 lần, mình vẫn pha dung dịch kích rễ như phần hướng dẫn ở trên, để phun cho cây.
Nếu bạn đã phun, mà mãi không thấy ra rễ ở cây mẹ, thì đừng quá lo lắng…
Vì giống lan này thường ra rễ sau khi ra mầm con, rồi mới quay lại ra rễ từ cây mẹ.
Đó cũng chính là lí do, vì sao mình dùng chế phẩm Hùng Nguyễn mà không phải N3M để kích rễ cho cây.
Ngoài tác dụng kích rễ ra, chế phẩm Hùng Nguyễn còn có các dưỡng chất khác, giúp cây nảy mầm rất tốt.
Khi cây đã có nhiều chồi con và rễ dài từ 3 – 5 cm, thì bạn không cần phải dùng dung dịch kích rễ nữa.
Giai đoạn ổn định phát triển
Đây là giai đoạn cây cần nhiều dưỡng chất, để tăng kích thước của thân và đẻ thêm chồi.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, lan khá nhạy cảm với phân hóa học. Nên mình vẫn trung thành dùng phân hữu cơ.
Phân hữu cơ mà mình hay dùng là đạm cá Fish Emulsion của Mỹ. Với cách sử dụng như sau:
- Không cần tưới nước mồi, mà hòa luôn 2 ml đạm cá với 1 lít nước để phun cho cây.
- Phun vào sáng sớm hoặc chiều muộn để phân không bị bay hơi.
- Tần suất phun là từ 5 – 7 ngày, thì phun một lần.
Ngoài đạm cá ra thì cứ 3 – 5 ngày, mình sẽ phun dịch chuối 1 lần. Và cứ 2 – 3 tháng mình sẽ thay phân trùn quế cho cây.
Quy trình bón phân của mình ở giai đoạn này nói chung là rất đơn giản và thân thiện môi trường nhưng rất hiệu quả. Nên bạn thử áp dụng theo nhé!
Giai đoạn ra hoa
Đối với các cây mới trồng được 1 năm tuổi, mình không muốn cây ra hoa vì sợ cây bị suy…Nên mình sẽ không thay đổi chế độ phân.
Còn đối với các cây từ năm 2 trở đi, thì khi cây bước vào giai đoạn ra hoa. Mình sẽ cho cây ăn thêm 19-31-17+Te và 6-30-30+Te. Cụ thể như sau:
- Cứ 5 -7 ngày thì sẽ phun 1 lần NPK 19-31-17+Te (2mil/ 1 lít nước). Duy trì phun 3 lần, thì chuyển qua 1 lần phun 6-30-30+Te rồi quay lại phun NPK 19-31-17+Te.
- Khi cây bắt đầu nhú vòi hoa, thì mình chỉ phun thêm 1 lần duy nhất vi lượng Bo, là ngừng hẳn phun thuốc
Phòng ngừa sâu bệnh cho lan Thiên Nga
Ưu tiên hàng đầu, là bạn kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm thật tốt cho lan. Với cách làm đơn giản này thì cây sẽ ít bị bệnh tật.
Kế đến, bạn dùng các loại thuốc đặc trị, để phòng ngừa sâu bệnh và nấm khuẩn cho cây.
Cá nhân mình, để phòng ngừa ngừa sâu bọ, côn trùng thì hay dùng đèn bẫy, và phun Fendona 15 ngày 1 lần. Với liều lượng 3cc /1,5 lít nước.
Còn trị nấm, khuẩn thì mình hay sử dụng bộ đôi Nano Đồng, và Nana Bạc cho vườn lan thì thấy rất hiệu quả.
Trường hợp cây bị nấm khuẩn tấn công, thì biện pháp xử lí là:
- Cách li cây bệnh ra khỏi khu vực vườn trồng.
- Ngâm cả chậu và cây ngập trong dung dịch Benkona (3 mil/ 1 lít) từ 30 – 40 phút.
- Sau đó, bạn gỡ cây bệnh ra khỏi chậu ươm và cắt hết các phần bị hư rồi bôi keo liền sẹo.
- Treo cao không tưới nước từ 5 – 7 ngày, rồi đem đi trồng lại bằng chậu mới và giá thể mới.
Và đó cũng là những chia sẻ cuối cùng của mình, về chủ đề lan Thiên Nga lần này.
Hi vọng với những kiến thức trên, sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc loại lan rất thú vị này!