Lan Long Tu là loài lan rất sai hoa và thường nở vào mùa xuân.
Giống lan này không chỉ đẹp mắt mà hương hoa cũng rất tuyệt vời. Thế nên, chúng được rất nhiều người chọn để làm hoa trưng Tết.
Bản thân mình cũng vậy!
Cứ mỗi độ Tết đến, ngoài chơi mai, đào, quất,.. Thì nhà mình luôn có thêm những chậu hoa lan lung linh thơm ngát.
Những chậu lan không chỉ tạo nét độc đáo rất riêng. Mà còn giúp không gian nhà mình thêm phần gần gũi với thiên nhiên.
Một trong những giống lan mà mình thích treo nhất vào dịp Tết là lan Long Tu.
Chính vẻ đẹp thướt tha, cùng mùi thơm nhẹ dịu của nó,…Đã chinh phục được rất nhiều người ghé thăm chúc Tết.
Nếu bạn cũng yêu thích hoa lan Long Tu và đang tìm kiếm cẩm nang chăm sóc. Thì đây chính xác là bài viết mà Nghiện Lan gửi đến bạn.
Đặc điểm giống lan quý Long Tu
Hoa lan Long Tu hay Dendrobium primulinum là phong lan thuộc chi Hoàng Thảo.
Chúng không chỉ là loài hoa cảnh thông thường. Mà chúng còn là thảo dược để trị bệnh rất hữu ích trong Đông Y.
Các bệnh mà nó có thể chữa đó là: Mẩn ngứa, bỏng lửa hay tê nhức chân tay,…
Có lẽ chính yếu tố trên, cùng với yếu tố sai hoa mỗi khi xuân về. Mà Long Tu tuy không quá hiếm, nhưng vẫn luôn được mọi người đánh giá là loài lan quý.
Nếu bạn có lỡ “say nắng” loại lan này và muốn sưu tầm chúng trong tự nhiên…
Thì bạn sẽ phải đối mặt với không ít mạo hiểm, để vào các khu rừng cao chót vót, mới lấy được chúng.



Nếu bạn có ý định trở thành ”hiệp sĩ” tầm lan Long Tu thì hãy nhớ chi tiết nhỏ sau: “Phong lan Long Tu xuất hiện rất nhiều ở các khu vực bắc Lâm Đồng, đèo Bảo Lộc, vườn quốc gia Yok Đôn, và rừng quốc gia Cát Tiên”
Cách nhận biết lan Long Tu cho người mới chơi
Sẽ thật là thiếu sót, nếu bạn có ý định săn Long Tu, mà chưa rõ cách nhận biết đúng về loài hoa lan này.
Với các đặc điểm: thân thòng, đa thân, lá sole… hao hao giống nhau. Nên Long Tu thường bị nhầm với 2 loại họ hàng khác là: Phi Điệp và Hạc Vỹ.
Tuy nhiên, nếu bạn thực sự quan tâm và có niềm đam mê tìm hiểu về chúng. Thì bạn sẽ dễ dàng nhận diện được nó bằng các cách dưới đây.
Nhận biết lan Long Tu qua giả hành

Giả hành của Dendrobium primulinum thường buông thõng như “râu rồng” rất đẹp mắt. Đó cũng chính là nét đặc trưng và là lý do tại sao nó có tên là “Long Tu”.
Thân phong lan Long Tu mập mạp, gồm nhiều đốt ngắn mọng nước. Và khi thân già sẽ có nhiều mắt lõm, rõ ràng tại các đốt giao nhau.
Cách nhận biết Long Tu qua lá

Bạn cũng có thể phân biệt Long Tu qua cách quan sát lá của nó. Cụ thể là:
- Lá của chúng mọc so le, hình giáo, nhọn đỉnh và hơi cụp xuống dưới ở đầu lá.
- Chiều dài lá từ 5 – 8cm. Đặc biệt đối với loại thân nù thì lá rất dày và vô cùng mọng nước.
Nhận biết qua hoa

Một cách nhận biết rất hay khác, mà bạn có thể tham khảo đó là nhận biết qua hoa:
- Hoa Long Tu mọc dọc theo chiều dài của giả hành. Nhìn như những suối hoa đẹp mắt.
- Lưỡi hoa hình táo, mắt bệt màu vàng và có rìa trắng hoặc tím tùy theo các biến thể.
- Cánh hoa Long Tu phổ biến là loại cánh chuồn hoặc cánh bầu. Chúng hơi cụp và không có độ bay, độ bóng so với Phi Điệp hay Hạc Vỹ.
Ngoài ra, bằng cách quan sát mặt hoa, bạn cũng có thể phân biệt các loại Long Tu phổ biến như: Long Tu Xuân, Long Tu Đá, Long Tu Lào. Cụ thể là:
- Long Tu Xuân sẽ có cánh hoa mảnh gọn như cánh chuồn và có màu chủ đạo là phớt tím – vàng.
- Hoa Long Tu Đá có màu tím bắt mắt với cánh hoa bầu nhưng hương thơm kém tinh tế hơn các loại khác.
- Long Tu Lào có hoa rất giống với Long Tu Xuân. Nhưng cánh hoa lớn hơn và màu sắc nhạt hơn.
Các cách nhân giống lan Long Tu phổ biến

Bạn có biết không, cần tới 3 – 4 tháng liền trong điều kiện tự nhiên thuận lợi. Những hạt giống Long Tu mới nảy mầm và xuất hiện những chiếc lá đầu tiên.
Và phải cần 3 đến 4 năm sau. Những mầm cây nhỏ bé này mới sinh trưởng, phát triển và cho những bông hoa đầu tiên.
Quả là 1 hành trình dài và khó khăn, để tạo ra tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên phải không nào!
Đọc đến đây chắc bạn sẽ hoang mang, rằng: “Không biết khu vực mình trồng Long Tu có phù hợp hay không?”
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng!
Được đánh giá là 1 trong những loại phong lan có sức sống mãnh liệt và dễ chăm sóc.
Nên Long Tu sống tốt ở nhiều nơi có khí hậu rất khắc nghiệt. Qua đó, rất phù hợp để nhân giống ở nhiều vùng miền khác nhau.
Chỉ cần bạn có niềm đam mê và bỏ chút công sức ra chăm sóc. Thì bạn sẽ có được những giò lan khỏe mạnh và sai hoa ngay thôi.
Nếu bạn muốn trải nghiệm như 1 người đam mê hoa lan thực thụ. Bạn có thể nhân giống Long Tu bằng phương pháp gieo hạt, để thấy được quá trình sinh trưởng và phát triển như ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, nếu bạn sợ thiếu kinh nghiệm sẽ làm cây lan dễ chết. Thì bạn có thể khởi đầu với việc nhân giống Long Tu từ hàng bóc rừng hoặc hàng bóc trụ.

Cách trồng hoa lan Long Tu như nghệ nhân thực thụ
Có nhiều người đã hỏi mình: “Thời điểm nào thì thích hợp để trồng Long Tu?”
Câu trả lời là: Bất cứ thời điểm nào, miễn bạn có thời gian và thực sự muốn chăm sóc nó.
Theo kinh nghiệm của các cao nhân truyền lại. Thì tháng 10 âm lịch tới tháng 3 âm lịch là thời điểm vô cùng thích hợp để ghép trồng Long Tu.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sở hữu được giò phong lan khỏe mạnh. Nếu biết cách trồng và phân thuốc hợp lý như kinh nghiệm dưới đây.
Để cho Long Tu làm quen môi trường mới

Cây giống khi được mua về, bạn nên phun sương và treo ngược nơi thoáng mát từ 2 – 3 ngày.
Việc làm này sẽ giúp cây có thể quen dần với vùng khí hậu mới, nhằm tăng khả năng sống sót hơn.
Giá thể thích hợp trồng Long Tu rừng

Rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, về việc chọn giá thể trồng lan Long Tu.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trồng nhiều năm của mình. Thì giá thể trồng phù hợp mà tốn chi phí ít nhất đó là dớn bảng.
Hoặc nếu bạn muốn giò lan mình trông nghệ thuật hơn, thì có thể dùng gỗ lũa để trồng.
Chuẩn bị vật dụng cần thiết
Các vật dụng cần thiết mà bạn nên chuẩn bị trước, để phương pháp trồng đạt hiệu quả bao gồm:
- Dây thép đường kính 3mm.
- Dao mỏng sắc.
- Kìm cắt thép.
- Kìm mỏ bẹp thường.
- Dây móc treo lan.
- Vôi nông nghiệp.
- Chế phẩm Hùng Nguyễn.
- Các vật tư cần thiết khác.
Bạn nhớ chuẩn bị vật tư thật đầy đủ, để giúp quá trình trồng lan thuận lợi và tiết kiệm thời gian.
Xử lý thủ công cây giống

Dùng dao rọc giấy khía vào mối nối của 2 giả hành, để tách cây giống theo từng cặp giả hành. Đừng quên quan sát thật kỹ mắt ngủ gần gốc, để tránh dao khía trúng làm hỏng mắt ngủ.
Sau khi tách riêng ra từng cặp giả hành, thì bạn nên tỉa rễ già đi, chỉ chừa lại 1 đoạn từ 1,7 – 2cm để dễ ghim vào bảng dớn.
Rất nhiều người mới trồng không làm tốt công đoạn này vì lo lắng, tỉa rễ sẽ khiến lan bị chết.
Tuy nhiên, tỉa rễ già không những giúp cây mau bén rễ hơn. Mà còn giúp cây giảm thiểu bệnh thối nhũn. Lí do là:
- Những rễ già này đã không còn khả năng lấy chất dinh dưỡng nuôi thân.
- Chúng cũng là nơi trú ẩn của rất nhiều mầm bệnh có hại cho cây giống Long Tu.
Ngâm sát khuẩn cho cây giống Long Tu

Tác dụng ngâm giống lần thứ nhất, là để sát khuẩn nhằm hạn chế bệnh tật cho cây. Cách thức thực hiện như sau:
- Bạn hãy lấy vôi đã chuẩn bị sẵn, hòa vào 1 thau nhựa đựng nước sạch.
- Khuấy thật đều để vôi tan vào nước, và đợi đến lúc nước trong trở lại để dùng dung dịch này ngâm cây giống Long Tu.
- Tiến hành ngâm cây giống từ 25 – 30 phút, rồi vớt ra để ráo nước.
- Nếu bạn muốn giảm thời gian ngâm xuống còn 5 – 10 phút, thì có thể thay thế nước vôi trong bằng dung dịch Physan (tỷ lệ 1ml/1 lít nước).
Ngâm thuốc kích rễ cho cây giống Long Tu

Tiếp tục ngâm giống đã tách với dung dịch Hùng Nguyễn đã pha theo tỉ lệ 20 giọt/1 lít nước trong khoảng 30 – 40 phút.
Tác dụng ngâm lần 2, là cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho giả hành, để Long Tu nhanh nảy mầm và bén rễ.
Ghép và treo hoa lan Long Tu đúng cách
Công đoạn ghép đúng cách:
- Dùng kìm cắt để cắt dây thép thành những đoạn nhỏ (6 – 8cm) và uốn chúng thành chữ U.
- Dùng các U thép này để ghim cố định các cặp giả hành vào bảng dớn.
- Làm móc chữ U để ghim cây giống Long Tu vào bảng dớn.
- Tiến hành ghim thép chữ U để giữ Long Tu chắc chắn không bị lung lay.
- Sau khi ghim, tuần tự từng cặp và gắn móc treo, ta sẽ được giò lan hoàn thiện.
Nếu bạn trồng Long Tu bằng gỗ lũa. Thì có thể dùng máy bắn ghim hoặc dùng đinh kết hợp với dây buộc đều hiệu quả.
Tuy nhiên, dù bạn chọn cách nào đi nữa, thì hãy hạn chế tối đa việc dùng thép mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn.
Vì nếu dùng thép quá nhiều cây rất dễ bị nhiễm độc rỉ sét, và ảnh hưởng đến sức sinh trưởng sau này.
Ngoài ra trước khi ghép lan, bạn nên xếp riêng giả hành non và giả hành già ra từng nhóm riêng. Sau đó mới ghép lên các bảng dớn khác nhau, nhằm tạo sự phát triển đồng đều cho cây.
Công đoạn treo đúng cách:
- Gắn 1 ít rêu Chi Lê đã xử lý gần gốc lan và treo lên giàn.
- Để cho cây sinh trưởng tốt, bạn nên cho cây ăn nắng luôn từ 60 – 70%.
- Nên đặt chúng bên dưới lưới che nắng Thái Lan đã được chuẩn bị trước.
- Tùy theo khí hậu các vùng miền khác nhau, mà lưới chuẩn bị nên cách cây khoảng 1,2 –1,5m để cho lan sinh trưởng tốt nhất.
Cách chăm sóc hoa lan Long Tu chuẩn nhà vườn
Giai đoạn mới trồng
Thông thường Long Tu mới trồng bạn sẽ cho cây ăn nắng từ 50 – 60 %. Nếu thấy khí hậu mát mẻ thì bạn có thể thu lưới cho cây ăn nắng 100%, để cây mập mạp, xanh tươi.

Tuy nhiên, nếu trời mưa bạn phải có biện pháp che chắn kịp thời, nếu không cây sẽ rất dễ bị thối nhũn.
Ở những tuần đầu thì bạn chỉ cần tưới nước và phun thêm Hùng Nguyễn 1 tuần/1 lần (pha theo tỉ lệ ở trên).
Khi các chồi non đã xuất hiện rõ lá, và có rễ dài khoảng 3 – 4cm. Thì bạn có thể ngừng sử dụng Hùng Nguyễn và thay thế bằng phân bón lá 20-20-20Te hàng tuần.
Giai đoạn ổn định phát triển
Đây là giai đoạn Long Tu sinh trưởng rất mạnh, nên cây cần phân có hàm lượng đạm lớn. Vậy nên ngoài việc dùng 20-20-20Te hàng tuần, bạn cần sử dụng thêm 30-10-10 Te để bón cho cây.

Cách sử dụng hợp lí là dùng liều lượng như trên bao bì. Và nên sử dụng luân phiên 7 ngày / 1 lần.
Ngoài ra bạn nên kết hợp với B1, để đạt hiệu quả cao và nên phun vào buổi sáng sớm, hoặc buổi chiều mát.
Giai đoạn lan cho ra nụ và nở hoa
Khi cây bước vào giai đoạn tháng từ 6 – 8 tháng. Là bạn có thể gắn phân chì tan chậm NPK 14-14-14 và phun thêm phân 6-30-30TE, để kích thích ra chồi hoa cho cây.

Tới tháng tuổi thứ 9, thì bạn hãy giảm tưới nước tối đa và cắt nước gần hoàn toàn toàn đến giữa tháng tuổi 11.
Khi thấy cây rụng hết lá, thì bạn bắt đầu tiến hành tưới đẫm nước trở lại vào gốc hàng ngày cho cây.
Thực hiện tưới nước ướt đẫm đều đặn cho Long Tu như vậy sau khoảng 3 tuần, thì cây sẽ cho nụ và nở hoa.
Đây là lúc bạn chiêm ngưỡng thành quả tuyệt vời của mình, bằng cách treo giò lan ra vị trí đẹp nhất.

Giai đoạn sau mùa hoa
Khi kết thúc mùa hoa, cũng là lúc bạn nên mang cây vào lại giàn treo râm mát. Sau đó, tỉa bớt các giả hành bị khô héo không đủ lực đẻ mầm.
Cuối cùng là tưới nước hàng ngày và bón phân định kỳ như giai đoạn ổn định phát triển, để đón 1 mùa hoa bội thu mới.
Hi vọng với những chia sẻ trong bài viết lần này. Nghiện Lan đã cung cấp cho các bạn những kiến thức đầy đủ, để bạn có thể tự tin nuôi dưỡng dòng lan rất ”đáng chơi” này.
Nếu có bất kì câu hỏi, cũng như thắc mắc nào? Hãy để lại bình luận bên dưới, để cùng nhau thảo luận nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại bạn trong những chia sẻ tiếp theo!
2 thoughts on “Lan Long Tu: Cách chăm sóc nhanh lớn, hoa tuôn như suối”
Khi long tu ra nụ thì có được tưới nước k. Hay phải cắt hoàn toàn. Mình ngoài bắc mới chơi bây giờ mới ra nụ. Nhưng lại ra cả mầm mới.
Thời điểm hiện tại theo như bạn Comment thì đã qua Tết. Nên việc tưới nước không còn quá quan trọng để hãm hoa. Bạn chỉ cần 1 phun dưỡng chất Bo (khoảng 3ml hòa chung 1 lít nước) phun sương nhẹ 1 lần lên hoa, để hoa lâu tàn nếu có mục đích ngắm hoa lâu. Còn nếu bạn chỉ muốn biết mặt hoa và tập trung cho mầm mới nhú thì tưới nước vừa phải khoảng 3 ngày/1 lần là đủ. Khi tưới, chỉ cần tưới gần gốc và giá thể là đủ. Nếu trời quá lạnh thì sử dụng nước ấm 30 độ C để tưới rất tốt. Nếu trời có mưa và sương mù nhiều thì không cần tưới nhé bạn! Rất vui vì bạn đã tương tác cùng Nghiện Lan