cách trồng và chăm sóc lan Kiều (phong lan Thủy Tiên)

Lan Kiều: 6 giống đẹp hút hồn & cách chăm ra hoa đúng Tết

Lan Kiều hay phong lan Thủy Tiên là loại lan đẹp, có sức sống mạnh và dễ trồng. Thế nên, loại lan này được rất nhiều người chọn để tô điểm cho khuôn viên gia đình.

Ngoài ra, lan Kiều có chi phí cây giống rất “bình dân” và lại nở hoa vào mùa xuân. Do đó, thú vui thuần lan Kiều để có hoa ngắm dịp Tết ngày càng nở rộ.

Nếu bạn cũng muốn có các giò lan Kiều tuyệt đẹp để khoe cùng bạn bè…

Thì đừng bỏ qua bài viết mà Nghiện Lan chia sẻ ngay dưới đây nhé!

Đặc điểm phân bố của lan Kiều

Đặc điểm phân bố của lan Kiều (phong lan Thủy Tiên)

Hoa lan Kiều mọc phổ biến và được yêu thích ở hầu hết các nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, loài lan này còn được nhiều người biết đến với tên gọi vô cùng đáng yêu khác là: “lan Thủy Tiên”.

Bạn có thể dễ dàng săn lùng lan Kiều ở các cánh rừng từ độ cao 300 – 1000m thuộc nhiều tỉnh khác nhau của nước ta.

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều hơn cả là ở các khu rừng thuộc: Phú Thọ, Đà Lạt, Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Cách nhận biết các loại lan Kiều phổ biến

Không giống với các giống lan Hoàng Thảo có giá mắc tiền như: Phi Điệp, lan Trầm, hay Hạc Vỹ,…

Lan Kiều được mọi người yêu thích vì có giá bình dân, mà vẫn có nhiều mặt hoa đẹp rạng ngời, từ các biến thể khác nhau.

Dưới đây là các dòng lan Kiều được nhiều người yêu thích nhất.

#1. Lan Kiều Tím (Dendrobium amabile)

cách nhận biết lan Kiều Tím (Dendrobium amabile)
Lan Kiều Tím có tên khoa học là Dendrobium amabile. Nó còn được gọi với các tên gọi khác là Kiều Hồng hoặc Thủy Tiên Hồng.

Khi Kiều Tím ra hoa, bạn sẽ phải xuýt xoa khi thấy những chùm hoa trĩu bông, cùng với màu tím đầy mộng mơ từ loại lan này.

Nhận biết Kiều Tím qua hoa

Cách nhận biết Dendrobium Amabile qua quan sát hoa

Để phân biệt Kiều Tím với các loại Kiều khác, bạn có thể quan sát qua hoa khá hiệu quả như sau:

  • Ngồng hoa của Kiều Tím dài khoảng 20 – 30cm và có màu hồng hoặc trắng phớt tím rất đặc trưng.
  • Cánh hoa của Kiều Tím hơi bầu có chiều dài 2 – 3cm, rộng khoảng 2cm và có màu tím hoặc phớt hồng.
  • Môi hoa gần tròn, có rìa mép màu trắng tím và có bề mặt phủ lông mỏng.
  • Họng hoa màu vàng mật ong, tạo ra sự hài hòa và tạo điểm nhấn cho mặt bông.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phân biệt Kiều Tím với các họ hàng bằng cách quan sát thân lá như sau:

Nhận biết Kiều Tím qua lá

Cách nhận biết Dendrobium Amabile qua quan sát lá

Lá lan Kiều Tím hình bầu dục, nhọn đỉnh, chiều dài khoảng 10 – 12cm, rộng khoảng 3 – 5cm.

Và khi sờ vào cảm giác cứng cáp, và bóng bẩy như sờ vào lá lan giả.

Nhận biết Kiều Tím qua thân

Cách nhận biết Dendrobium Amabile qua quan sát thân cây

Lan kiều tím có thân tròn, nhưng không đều mà hơi phình ở gần ngọn

Khi giả hành còn trong độ tuổi phát triển, thì có màu xanh tím hoặc xanh đậm đốm tím.

Nhưng khi về già thì sẽ có nhiều rãnh dọc, và có màu nâu bạc hoặc xanh đen.

Được đánh giá là loại Kiều có chiều dài lớn nhất trong cùng họ hàng.

Nên không khó hiểu khi Kiều Tím có thể dài đến cả mét, nếu được chăm sóc tốt.

#2. Lan Kiều Vàng (Dendrobium thyrsiflorum)

Đặc điểm nhận dạng lan Kiều Vàng - Thủy Tiên Vàng

Lan Kiều Vàng có tên khoa học là Dendrobium thyrsiflorum.

Đây cũng là loại Kiều phổ biến, và được yêu thích khắp các tỉnh thành nước ta.

Mặc dù có hình thái hoa dạng chùm, nhiều bông khá giống nhau. Tuy nhiên, Kiều Vàng cũng có những điểm khác biệt nhất định so với Kiều Tím.

Nhận biết lan Kiều Vàng qua hoa

Cách nhận biết Dendrobium thyrsifloru qua quan sát hoa

Ngồng hoa của Kiều Vàng thường có màu xanh tươi, hoặc màu nâu đỏ trong khi Kiều Tím có màu phớt hồng hoặc trắng tím.

Mặc dù có tên là Kiều Vàng nhưng loại lan này lại có màu hoa chủ đạo là Trắng và Vàng.

Khác với Kiều Tím, cánh hoa Kiều Vàng có màu trắng đục hoặc trắng ngả vàng.

Môi hoa thì lại có màu vàng tươi, vàng nghệ đồng nhất khá bắt mắt.

Ngoài ra, khoảng cách các bông hoa của Kiều Vàng sẽ thưa hơn so với Kiều Tím.

Cấu tạo khuôn bông và màu sắc đặc trưng của Dendrobium thyrsifloru
Mặt hoa của Kiều Vàng có cánh trắng đục và môi hoa màu vàng nghệ

Nhận biết Kiều Vàng qua thân lá

Cách nhận biết Dendrobium thyrsiflorum qua thân, lá

Bạn cũng có thể phân biệt Kiều Vàng với Kiều Tím, (chuẩn tới 80%) bằng cách quan sát qua thân lá như sau:

  • Lá của Kiều Vàng thon dài, mềm, mỏng và có màu xanh nhạt hơn Kiều Tím.
  • Thân của Kiều Vàng thường có màu xanh nõn trong giai đoạn phát triển, và có màu xanh ngả vàng hoặc vàng chanh khi về già.

#3. Lan Kiều Vuông (Dendrobium farmeri)

Các cách nhận biết Kiều Vuông (Thủy Tiên Trắng)

Lan Kiều Vuông có tên khoa học là Dendrobium farmeri và cũng được nhiều người biết đến với tên gọi khác là: Kiều trắng hoặc Thủy Tiên trắng.

Nhận biết lan Kiều Vuông qua hoa

Cách nhận biết Dendrobium farmeri qua quan sát hoa
Ngồng hoa Kiều Vuông thường nảy ở đầu ngọn

Mặt hoa của Kiều Vuông khi bung nở cực kì cuốn hút
Mặt hoa của Kiều Vuông khi bung nở cực kì cuốn hút

Hoa của Kiều Vuông có nhiều nét tương đồng với Kiều Tím. Thế nên, bạn phải quan sát thật kỹ mới thấy một vài điểm khác biệt đó là:

  • Ngồng hoa của Kiều Vuông thường nảy ở đầu ngọn, trong khi Kiều Tím thì xuất hiện ở cả phần thân.
  • Cánh hoa của Kiều Vuông có màu trắng tinh khôi, hoặc trắng ám tím nhẹ, chứ không tím đậm như Kiều Tím.
  • Môi hoa Kiều Vuông có màu vàng nhạt, và rìa mép có màu trắng cùng lớp lông tuyết mỏng.

Nhận biết Kiều Vuông qua thân lá

Cách nhận biết Dendrobium farmeri qua quan sát thân lá

Kiều Vuông có giả hành hình vuông 4 cạnh nên rất dễ nhận biết.

Ngoài ra, giả hành của Kiều Vuông khá ngắn (chỉ khoảng 15 – 30cm) so với các loại Kiều khác.

#4. Lan Kiều Mỡ Gà (Dendrobium densiflorum)

Các cách nhận biết lan Kiều Mỡ Gà (Thủy Tiên Mỡ Gà)
Lan Kiều Mỡ Gà có tên khoa học là Dendrobium densiflorum, có nơi còn gọi với tên gọi khác là Thủy Tiên mỡ gà.

Đây là một trong những biến thể có hoa đẹp nhất, nên được rất nhiều người săn đón.

Nhận biết lan Kiều Mỡ Gà qua hoa

Cách nhận biết đúng Dendrobium densiflorum qua quan sát hoa
Cánh hoa của Kiều Mỡ Gà to đều, màu vàng rực nổi bật và có độ bóng hơn Kiều Vàng.

Môi hoa có màu vàng đậm, có nhiều nếp nhăn, cùng lớp lông phủ kín bề mặt và rìa mép.

Các bông hoa trên chùm mọc khá sát nhau giống Kiều Tím, chứ không thưa như Kiều Vàng hay Kiều Vuông.

Nhận biết lan Kiều Mỡ Gà qua thân lá

thân Kiều mỡ gà thường có có hình thoi cạnh tròn
Kiều Mỡ Gà có thân hình giống hình thoi, cạnh tròn chứ không vuông vắn và sắc cạnh như Kiều Vuông.

Bản lá của Kiều Mỡ Gà to, rộng và có thường có độ mềm, độ mỏng hơn Kiều Vàng.

#5. Lan Kiều Môi Tua (Dendrobium harveyanum)

Các cách nhận biết Kiều Môi Tua
Lan Kiều Môi Tua có tên khoa học là Dendrobium harveyanum và còn được biết đến với tên gọi khác là: Kiều râu tua hoặc Thủy Tiên râu tua.

Lan Kiều Môi Tua có nhiều đặc điểm khác biệt về thân lá và hoa, nên bạn có thể dễ dàng nhận biết được dù là người mới chơi lan.

Nhận biết Kiều Môi Tua qua thân lá

Cách nhận biết Dendrobium harveyanum qua quan sát thân, lá

Lá của Kiều Môi Tua rất ít (chỉ khoảng 2 – 5 lá) và tập trung chủ yếu ở đầu giả hành.

Giả hành của Kiều Môi Tua phình to ở giữa, nhưng lại thon nhỏ ở gốc và ở ngọn.

Nhận biết Kiều Môi Tua qua mặt hoa

Cấu trúc bông và màu sắc đặc trưng của Dendrobium harveyanum

Hoa của Kiều Môi Tua có màu vàng tươi, bóng bẩy. Nhưng cánh hoa là dạng cánh chuồn và có độ bay.

Môi hoa rất khác biệt so với các loại Kiều khác, khi có rất nhiều tua rua lạ mắt.

#6. Lan Kiều Dẹt ( Dendrobium sulcatum)

Các cách nhận biết lan Kiều Dẹt (Thủy Tiên Dẹt)

Lan kiều dẹt có tên khoa học là Dendrobium sulcatum và cũng được gọi là Thủy Tiên dẹt.

Đây là loại lan đẹp, quý và khá mắc tiền. Thế nên bạn cần để ý kỹ để không nhầm lẫn với các loại Kiều khác

Nhận biết Kiều Dẹt qua hoa

Cách nhận biết Dendrobium sulcatum qua quan sát hoa
Hoa của Kiều Dẹt có màu vàng tươi nổi bật, nhưng cánh hoa có độ cụp nhiều hơn so với các loại lan Kiều khác.

Môi hoa thường có hình Oval hoặc hình trái tim, và có lớp lông mịn phủ ở bề mặt và ở mép.

Ngoài ra, hai mép thùy hoa thường có màu nâu đỏ hoặc màu cà phê rất dễ nhận diện.

Nhận biết Kiều Dẹt qua thân lá

cách nhận biết Dendrobium sulcatum qua quan sát thân, lá
Lan Kiều Dẹt dĩ nhiên sẽ có thân dẹt hơn so với các loại lan Kiều khác, nên bạn có thể thấy rõ khi quan sát.

Cách trồng lan Kiều tốt um và sai hoa

Thời điểm trồng

Hoa lan Kiều thường nở rộ vào các tháng đầu xuân
Hoa lan Kiều thường nở rộ vào các tháng đầu xuân

Hầu hết các loại lan Kiều đều ra hoa vào mùa xuân. Thế nên, theo kinh nghiệm của mình thì thời điểm trồng tốt nhất là cuối tháng 4 đến tháng 8.

Lúc này, lan sẽ không tốn sức nuôi hoa cùng với tiết trời ấm áp nên cây sẽ rất nhanh ra rễ, và đẻ mầm mới.

Chọn cây giống phù hợp

cách chọn cây giống lan Kiều - Lan Thủy Tiên chất lượng
Ưu tiên chọn cây giống lan Kiều còn tươi xanh không ẩm ướt

Chọn cây giống chuẩn sẽ góp phần giúp bạn ít tốn công chăm sóc. Vậy nên khi chọn giống bạn cần lưu ý các điểm sau:

  • Nên ưu tiên chọn các dề lớn có từ 8 – 20 giả hành. Vì đây là những giò có sức sống mạnh, và sau này cây phát triển ra hoa cũng sẽ đồng đều hơn.
  • Nên chọn các dề có nhiều thân thẳng, các mắt ở gốc hướng lên trời để khi ghép sẽ trông thẩm mỹ hơn.
  • Nên chọn các dề vẫn còn mầm ngủ ở gốc, và các mầm ngủ này phải còn tươi, không bị sên cắn.
  • Đối với những dề có giả hành còn lá, thì ưu tiên chọn loại lá phải còn tươi, có độ bóng, không bị đốm, không dập nát.

Xử lý cây giống khi mua về

Cắt tỉa các bộ phận hư

cách xử lý Kiều giống khi mới mua về
Dùng dao hoặc kéo sắc để cắt rễ hư, lá hư trước khi trồng lan giống

Ngay khi mua về, bạn nên cắt bỏ hết các lá bị dập nát, các lá vàng hoặc các lá bị đốm.

Với các giả hành bị gãy dập, thì tùy theo mức độ mà có thể cắt bỏ sát gốc hoặc cắt bỏ 1 phần.

Nếu dề lan quá to, thì bạn nên dùng dao sắc tách nhỏ ra thành nhóm có từ 5 – 7 giả hành, để dễ ghép hơn.

Các rễ lan bị khô, quá dài bạn cũng nên cắt bỏ chỉ chừa khoảng 2 – 3cm để dễ cố định.

Công đoạn cắt tỉa này rất quan trọng! Vì vậy bạn hết sức lưu ý khi thực hiện nhé!

Việc xử lý thủ công không chỉ giúp cây giống trông thẩm mỹ hơn. Mà còn giúp lan loại bỏ được rất nhiều mầm bệnh nguy hại.

Xử lý cây giống bằng hóa chất

Ngâm giống khử trùng
thuốc kích rễ phù hợp cho lan Thủy Tiên
Sử dụng Physan hoặc Benkona để sát khuẩn lan Kiều trước khi trồng

Thả toàn bộ cây giống vào dung dịch Physan nồng độ 1ml/1 lít, và ngâm từ 15 đến 20 phút rồi vớt ra để ráo.

Nếu không có Physan bạn có thể thay thế bằng nước vôi trong, và ngâm từ 30 – 40 phút rồi vớt ra để ráo.

Ngâm giống lần 1, là công đoạn cần thiết để loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh và côn trùng còn sót lại trên cây giống.

Ngâm giống kích rễ
combo thuốc kích rễ cực tốt cho lan Thủy Tiên
Combo thuốc kích rễ cực tốt cho lan Kiều

Tiếp tục cho cây giống ngâm với hỗn hợp B1, Superthrive, Super Root với liều lượng như sau:

  • Sử dụng 5 giọt B1, 2 giọt Superthrive, 2mil Super Root hòa chung với 1 lít nước.
  • Thời gian ngâm từ 30 phút đến 1 tiếng, tùy theo mức độ tươi hay héo của cây giống.

Công dụng của ngâm lần 2 là giúp cây có thêm dưỡng chất để nhanh ra rễ, nhanh nảy mầm.

Tuy nhiên, đừng vì thế mà ngâm quá lâu. Bạn chỉ nên ngâm đủ thời gian nếu không cây sẽ bị ngộ độc.

Sau khi đã ngâm xong thì bạn nhớ vớt ra, bôi keo liền sẹo và treo nơi thoáng mát từ 2 – 3 ngày là có thể đem đi trồng.

Giá thể trồng phù hợp trồng lan Kiều

giá thể trồng lan Kiều - lan Thủy Tiên phù hợp
Trồng lan Kiều bằng chậu gỗ không chỉ đẹp mắt mà cũng dễ chăm sóc

Việc chọn giá thể trồng cho lan Kiều tuy đơn giản, nhưng lại khá quan trọng vậy nên bạn cần lưu ý.

Lan Kiều có sức sống mạnh, tuy nhiên chúng lại không thích thay chậu nhiều lần.

Do đó, bạn nên ưu tiên chọn các giá thể có độ bền cao như: gỗ lũa, gỗ vú sữa, gỗ nhãn, than củi, vỏ thông, viên đất nung, dớn trụ, dớn bảng, dớn sợi.

Mình thì đặc biệt thích trồng lan Kiều vào chậu đất có giá thể là than củi, vỏ thông và dớn sợi.

Vì cách trồng này vừa có chậu lan đẹp mắt, cây sinh trưởng tốt lại ít tốn công chăm sóc nhất.

Khi đã chọn giá thể vừa ý, bạn nên xử lý giá thể bằng cách ngâm với nước vôi trong từ 3 – 5 ngày rồi rửa lại bằng nước.

Công đoạn này sẽ đảm bảo giá thể sạch sẽ, cân bằng PH và không còn mầm bệnh gây hại cho lan

Tiến hành trồng lan Kiều

Khi trồng lan Kiều - Thủy Tiên tuyệt đối không vùi kín gốc như trồng khoai lang
Khi trồng lan Kiều tuyệt đối không vùi kín gốc như trồng khoai lang

Các vật dụng cần thiết chuẩn bị: chậu đất nhiều lỗ, giá thể, dây treo, móc treo, đũa gỗ, dây buộc lan chuyên dụng,…

Yêu cầu kỹ thuật:

  • Lan được trồng phải chắc chắn nhưng không được làm tổn thương các mắt ngủ ở gốc.
  • Tuyệt đối không vùi lấp sâu trong giá thể vì sẽ làm lan thối nhũn.
  • Lan nên được cố định nằm ngay trên bề mặt giá thể và nên được hướng lên trên.

Cách thực hiện:

  • Dùng than củi và vỏ thông cỡ lớn lót ở lớp dưới cùng để chậu lan thông thoáng.
  • Lấy một chút dớn cọng, than củi và vỏ thông cỡ vừa làm lót ở giữa cho lan.
  • Rải một lớp vỏ thông hoặc than củi cỡ nhỏ trên bề mặt chậu.
  • Cuối cùng, tiến hành đặt lan vào chậu, rồi cố định bằng dây buộc lan chuyên dụng.

Lưu ý: bạn có thể cắm thêm đũa gỗ để làm điểm tựa buộc lan thêm chắc chắn. Sau khi ghép xong thì bạn nên treo vào nơi thoáng mát.

Cách chăm sóc lan Kiều đúng cách

Chế độ ánh sáng

chế độ ánh sáng phù hợp cho vườn Kiều

Ánh sáng là yếu tố không thể thiếu để lan Kiều quang hợp, tạo ra diệp lục từ đó mới có thể sinh trưởng.

Tuy nhiên trong giai đoạn đầu mới ghép, bạn nên che nắng xuống còn khoảng 30%. Vì lúc này cây còn rất yếu nếu để nắng trực tiếp chiếu vào, cây sẽ bị cháy nắng và rụng lá.

Khi cây đã lấy lại sức và có mầm mới, rễ mới thì bạn mới nên cho cây ăn nắng nhiều hơn. Lúc này bạn có thể chuyển ra vị trí có nắng từ 50 – 70%, dưới lớp lưới che nắng Thái Lan.

Lượng nước tưới

chế độ nước tưới phù hợp cho vườn Kiều

Trong 5 – 7 ngày đầu tiên mới ghép, bạn tuyệt đối không để lan tiếp xúc với mưa vì rất dễ bị thối.

Nếu trời mát mẻ bạn có thể không cần tưới nước, vì nếu tưới nhiều cây lâu lành vết thương.

Tuy nhiên, nếu quá nóng và khô hanh, thì bạn cũng nên phun sương nhẹ để giữ ẩm cho cây.

Khi cây đã quen dần với khí hậu môi trường mới! Thì tùy theo độ ẩm của vườn, mà bạn có chế độ tưới nước sao cho phù hợp.

Cụ thể như:

  • Nếu thời tiết nắng nóng bạn có thể duy trì tưới 2 ngày/ 1 lần.
  • Nếu thời tiết mát hoặc trời mua thì nên tưới 5 ngày/ 1 lần.
  • Thời điểm tưới tốt nhất là sáng sớm hoặc buổi chiều còn nắng.
  • Tuyệt đối không tưới buổi trưa sẽ làm cây bị sốc nhiệt, dẫn đến dễ chết.
  • Bạn cũng không nên tưới vào chiều muộn, vì cây sẽ không thoát hết được nước dẫn đến dễ bị thối nhũn.

Về nhiệt độ, độ ẩm

Nhiệt độ thích hợp để lan Kiều sinh trưởng là 16 – 32 độ C và ẩm độ là 50 – 70%. Vậy nên, nó có thể nhanh chóng thích nghi với tiểu khí hậu của khu vực bạn trồng.

Tuy nhiên, để cho cây lan sinh trưởng tốt!

Bạn vẫn nên có máy đo nhiệt độ để có thể bổ sung nước, và điều chỉnh ẩm độ kịp thời.

Về phân bón theo từng giai đoạn

Giai đoạn mới ghép

Ở giai đoạn đầu mới ghép, lan Kiều ra rễ khá chậm so với các loại lan Hoàng Thảo khác.

Vậy nên, 3 tuần đầu bạn nên duy trì phun B1, Super Root, Super Thrive (1 tuần/ 1 lần) để cây mau ra rễ.

Giai đoạn ổn định

bộ đôi phân bón phù hợp và hiệu quả cho vườn kiều trong giai đoạn ổn định phát triển
Bộ đôi phân bón phù hợp và hiệu quả cho vườn lan trong giai đoạn ổn định phát triển

Khi cây đã nhú rễ, và dài được 5cm là lúc cây có thể bắt đầu ăn phân ngoài.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên rải 1 ít phân tan chậm Đài Loan, hoặc gắn 1 ít phân dê đóng túi ở xa gốc.

Nếu bạn để quá gần, cây sẽ bị đen rễ và sẽ bị thui chột, chậm lớn.

Đến khi cây đã có nhiều rễ sum suê, có thêm chồi mới, là lúc cây cần nhiều đạm.

Lúc này, mỗi tuần 1 lần, bạn nhớ phun 30-10-10 Te hoặc 20-20-20Te kết hợp cùng B1. Và nên sử dụng luân phiên, để đạt hiệu quả cao nhất.

Nồng độ pha thì nên căn cứ như trên bao bì, hoặc pha loãng hơn 1 chút đều được.

Giai đoạn kích hoa

bộ đôi phân bón phù hợp cho vườn Kiều trong giai đoạn kích hoa
Bộ đôi phân bón phù hợp cho hoa lan trong giai đoạn kích hoa

Hoa của lan Kiều nở rất đẹp, nhưng thời gian nở lại ngắn chỉ từ 10 – 15 ngày.

Vậy nên, việc kích hoa lan Kiều để nở đúng vào ngày Tết, là nhu cầu vô cùng cần thiết.

Muốn làm được điều đó, bạn phải có thể tham khảo với bí kíp sau:

  • Đầu tháng 11 âm lịch nên giảm tưới nước xuống ½ so với thông thường.
  • Gần cuối tháng 11 âm lịch, thì giảm tưới nước hẳn xuống ¼ so với thông thường.
  • Đến giữa tháng 12, thì tưới nước đẫm gốc trở lại đến lúc cây nhú nụ, thì tưới nước vừa phải tùy theo thời tiết.
  • Trong khoảng thời gian trên bạn nên sử dụng 10-60-10 Te luân phiên với 6-30-30Te (3 – 5 ngày/ 1 lần) để đạt hiệu quả cao nhất.

Giai đoạn dưỡng cây sau khi ra hoa

Trong giai đoạn này, bạn chưa cần thiết phải cho cây ăn đạm lại ngay. Mà bạn nên tưới nước có pha B1 mỗi ngày 1 lần, trong khoảng 3 tuần.

Bạn cũng có thể bón thêm trung vi lượng 3 ngày/ 1 lần để cây lấy lại sức nhanh hơn.

Hoặc nếu quá khó mua trung vi lượng, thì có thể sử dụng dịch chuối và dịch nha đam luân phiên.

Sau khoảng 3 tuần chăm sóc, thì bạn có thể bón phân lại bình thường như giai đoạn ổn định.

Giải thích thêm:

  • Các yếu tố trung lượng thông thường và cần thiết cho lan là: S, Ca, Mg.
  • Các yếu tố vi lượng thông thường cần thiết cho lan là: Fe, Mn, Zn, Si, Bo, Co, Cu.
  • Trên thị trường có nhiều loại tổng hợp trung vi lượng rất hiệu quả, ví dụ như: Root plex.
phân vi lượng Root plex cực kì cần thiết cho lan Kiều sau khi tàn hoa
Phân vi lượng Root plex cực kì cần thiết cho phong lan sau khi tàn hoa

Phòng trị bệnh cho lan Kiều

Bạn nên kiểm tra vườn thường xuyên, xử lý rác và nước đọng quanh vườn để đảm bảo vườn luôn sạch sẽ và ít mầm bệnh phát sinh.

Ngoài ra, việc làm này cũng sẽ giúp bạn phát hiện được sớm mầm bệnh và có biện pháp cách ly, và xử lý kịp thời.

Về việc dùng hóa chất, thì bạn có thể tham khảo cách làm của mình sau:

  • Cứ 2 tuần / 1 lần bạn nên phun Movento hoặc Fendora, để diệt trừ rệp đỏ, rầy, côn trùng (nên phun luân phiên để chúng không bị lờn thuốc).
  • Để phòng trừ nấm bệnh thì có thể sử dụng Ridomil Gold hoặc Metalaxyl sử dụng luân phiên 20 ngày 1 lần.
  • Để phòng trừ khuẩn bệnh thì bạn có thể sử dụng Ponor hoặc Kasumin luân phiên 2 tuần 1 lần.

Hy vọng với chút ít kinh nghiệm mà mình chia sẻ. Bạn sẽ tự tin hơn khi chăm sóc các loại lan Kiều khác nhau mà không hề bỡ ngỡ.

Mình tin rằng chỉ cần có đam mê và kiên trì thực hiện theo phương pháp. Bạn sẽ có được những giò lan Kiều tuyệt đẹp để đón Tết viên mãn.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *