Cách nhận biết, trồng và chăm sóc lan Kiếm

Lan Kiếm: Phân loại, nhận biết, cách trồng & chăm sóc (2022)

Khi mới bắt đầu tìm hiểu về hoa phong lan, mình đọc khá nhiều tài liệu. Và biết được rằng: trước đây hoa lan là thú vui chỉ dành riêng cho vua chúa hay các bậc thượng lưu.

Tuy nhiên, ngày nay thú chơi ấy đã trở nên phổ biến, và được nhiều người tiếp cận hơn bởi vẻ đẹp khó cưỡng của loài hoa lan này.

Bản thân mình cũng không ngoại lệ ! Sau những bộn bề cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

Điều hạnh phúc, đơn giản với mình là dành một góc riêng, yên bình bên những giò lan mà mình tự tay chăm sóc.

Và trong muôn vàn các giống lan khác nhau đã trồng thì các giống lan rừng luôn mang lại cho mình những cảm xúc rất đặc biệt.

Nhắc đến phong lan rừng, thì không thể không nhắc đến loài lan Kiếm. Chúng là loài có mức phổ biến rộng rãi, nhưng mang lại giá trị rất cao về cả mặt khoa học lẫn mỹ thuật.

Không phải ngẫu nhiên mà các bậc tiền bối, có địa vị cũng như học vấn cao, từng có những mỹ từ để ca ngợi dòng lan Kiếm này.

Lan Kiếm là giống phong lan có phạm vi phân bố rộng và được nhiều người yêu thích vì có sức sống bền bỉ
Lan Kiếm là giống phong lan có phạm vi phân bố rộng và được nhiều người yêu thích vì có sức sống bền bỉ

Ví như Đức Khổng Tử (551 – 497 trước công nguyên) đã từng lấy hình tượng hoa lan Kiếm:

‘’Dù ở nơi thâm sâu trong những cánh rừng bạt ngàn, đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên. Thì lan Kiếm vẫn vươn mình, với sức sống mãnh liệt mà tỏa hương, khoe sắc…”

Qua đó răn dặn các bậc quân tử phải cố gắng tu thân, tích đức, sống ngay thẳng với đời.

Và hôm nay, các bạn hãy cùng Nghiện Lan đắm chìm trong thế giới lan rừng, để khám phá những điều thú vị về hoa lan Kiếm này nhé!

Nguồn gốc lâu đời của Lan Kiếm

nguồn gốc của phong lan Kiếm

Lan Kiếm có tên khoa học là Cymbidium. Đây là nhóm lan đa thân, rễ chùm thuộc dòng thân thảo, thường mọc ở các vùng núi cao, ẩm thấp.

Đối với nhiều người chơi lan lâu năm. Thì lan Kiếm đã chẳng còn xa lạ, bởi chúng là dòng lan được chơi lâu đời, bậc nhất ở nước ta.

Với đặc tính ưa ẩm thấp, thế nên lan Kiếm thường sinh sống và phát triển chủ yếu ở những cánh rừng sâu Châu Á.

Các nước có lan Kiếm sinh sống phổ biến có thể kế đến như: Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Ấn Độ, Malaysia,…

Đặc điểm chung dễ nhận dạng của Lan Kiếm

Nhận dạng Lan Kiếm qua lá

Trước đây khi mới chỉ nghe qua và chưa có dịp tiếp xúc đến dòng Kiếm này. Mình đã từng rất thắc mắc.

Rằng: ‘’Tại sao chúng có cái tên là KIẾM?’’.

Một cái tên nghe rất ‘’kêu’’, toát lên vẻ uy phong, cũng như sức chiến đấu mãnh liệt ẩn bên trong.

Và khi tận mắt chứng kiến, ngắm nhìn và tận tay chăm sóc chúng, mình bắt đầu có cho bản thân câu trả lời.

nhận diện Cymbidium qua quan sát lá
Lá lan Kiếm dài, dày thẳng vút lên trời, trông như những thanh kiếm thời xa xưa

Điểm tạo nên sự đặc biệt, đó chính là những chiếc lá của lan Kiếm!

Chúng rất dày, mọc vươn thẳng ra giống như những thanh kiếm ngày xa xưa, tạo nên vẻ rắn rỏi, cứng cáp và uy vệ.

Bẹ lá lan Kiếm có dạng chữ V, đến khi phát triển thì xòe ngang , vươn lên và ngả sang hai bên.

Chưa hết, lá lan Kiếm còn có kích thước, hoặc thay đổi màu sắc theo điều kiện thời tiết, và môi trường sống.

Mình còn nhớ, thời điểm mới chăm sóc Kiếm, có một kỉ niệm thế này…

… lúc đưa về, do thay đổi nơi sinh sống, mà lá lan Kiếm của mình sau một thời gian chuyển qua ngả vàng.

Mới đầu mình còn lo lắng, sợ cây cháy lá, nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, sự thật không phải vậy!

Khi bạn trồng lan Kiếm ở nơi ít ánh sáng, nơi ánh nắng chiếu không nhiều, độ ẩm cao. Thì lá cây sẽ có màu xanh đậm, bản to, dài và dày.

Ngược lại, nếu để cây ở ngoài ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, độ ẩm thấp, khô hạn. Thì lá sẽ có màu ngả vàng, như trường hợp của mình.

Thật ra, điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng, vì đối với dòng lan Kiếm, chúng nổi tiếng với sức sống vô cùng mãnh liệt, bất chấp khí hậu mà.

Nhận dạng qua Hoa

nhận diện Cymbidium qua hoa

Khi bàn về hoa của lan Kiếm. Nhìn một cách tổng quan, thì cơ bản cũng như các loại lan khác. Lan Kiếm cũng có nhiều dòng khác nhau.

Nhưng chúng đều có điểm chung là, vị trí chồi hoa đều xuất phát từ nách lá tương tự như lan Thiên Nga.

Trên các cần hoa như vậy, mình đếm có khoảng 25 – 50 bông. Các cần hoa đều thòng hướng xuống dưới, hoa trải dài, kéo từ đầu cần hoa đến cuối cần hoa.

Lan Kiếm thường sẽ cho ra bông vào mùa xuân, từ tháng 2 kéo dài đến hết hè, là khoảng cuối tháng 7.

Khi hoa nở, lan Kiếm mang lại cho người thưởng hoa một mùi hương rất đặc biệt. Hương thanh, không hắc, nhưng lại đậm đà, khó quên.

Mỗi lần, mùi hương ấy thoáng qua, tâm trạng mình lại thổn thức, dễ chịu đến lạ. Nó xao xuyến, thoắt đến rồi thoắt đi, xa mà như gần!

Các loại lan Kiếm rừng đẹp được yêu thích nhất

Hiện nay, ở Việt Nam lan Kiếm được phân chia thành 4 loại cơ bản nhất!

Bao gồm:  Kiếm Tiên Vũ, Kiếm treo, Kiếm hai màu, và Kiếm Lô Hội. Và dưới đây là đặc điểm nhận biết của từng loài vừa kể.

#1. Kiếm Lô Hội – Cymbidium aloifolium

cách nhận biết Cymbidium aloifolium

Kiếm Lô Hội hay còn được những người chơi lan ở Việt Nam gọi là Đoản Kiếm Lô Hội.

Nhìn qua thân củ, Kiếm Lô Hội khá nhỏ, lá cứng và chiều dài của lá rất ấn tượng.

Khi nở, chùm hoa của Kiếm Lô Hội buông rủ xuống dưới, dài có thể đến 75 cm. Cần hoa mọc từ nách Kiếm, có khoảng 30 – 45 bông.

Hoa Kiếm Lô Hội có màu đỏ nâu, trông rất đẹp mắt. Và mùa hoa kéo dài từ tháng 1 – tháng 4.

Phân bố: Đoản Kiếm Lô Hội phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc.

#2. Kiếm Tiên Vũ – Cymbidium finlaysonianum

Cách nhận biết Cymbidium finlaysonianum

Kiếm Tiên Vũ, Kiếm Vàng hay Hoàng Kiếm Lan khá dễ phân biệt khi có giả hành rất to. Lá của cây rất dài, to bản, nếu chăm sóc tốt lá có thể hơn 1m và rộng từ 5 – 7cm.

Hoa Kiếm Tiên Vũ khá thưa, khoảng 20 – 30 bông/cành. Chúng có kích thước lớn và có cánh hoa dài nhất trong các dòng Kiếm (khoảng 50 – 10 cm).

Mùa hoa nở thường vào cuối Hè và đầu Thu. Kiếm Tiên Vũ phân bố  rải rác ở các vùng núi cao và dãy Trường Sơn, các tỉnh như: Hoà Bình, Quảng Ninh,…

#3. Kiếm Treo – Cymbidium atropurpureum

cách nhận biết Cymbidium atropurpureum

Kiếm treo, hay còn có tên gọi là Đoản Kiếm Đỏ Đen!

Đặc điểm của loài này là củ của chúng mọc rất sát nhau, lá dài nhưng khá mềm. Khi hoa nở mọc thành chùm, rũ xuống rất cuốn hút.

Hoa thơm rất giống mùi dừa, cần hoa ngắn, chỉ khoảng 40 cm. Hoa nở có từ 10 – 20 bông. Thời điểm Kiếm cho ra hoa thường là mùa hè, mùa thu.

Đoản Kiếm Đỏ Đen phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên (Kontum, Gia Lai,…)

#4. Kiếm hai màu – Cymbidium bicolor

Cách nhận biết Cymbidium bicolor

Kiếm hai màu, hay còn có một tên gọi khác là Đoản Kiếm hai màu.

Đặc điểm nổi bật nhất của Đoản Kiếm hai màu là thân Kiếm dài, có thể đạt 50 cm. Khi nở, hoa rũ xuống dài tới 70 cm.

Lá rất cứng và dày, hoa có hai viền vàng và nâu đỏ. Thường cho ra hoa vào mùa xuân.

Đoản Kiếm hai màu phân bố chủ yếu là ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cách trồng lan Kiếm để cây phát triển tốt nhất

Đối với những người mới chập chững trồng lan Kiếm, hẳn sẽ đặt ra câu hỏi ‘’Liệu trồng lan Kiếm có khó không?’’

Câu trả lời là: ‘’Hoàn toàn không khó’’.

cách trồng lan Kiếm đúng cách
Lan Kiếm là một loài lan có sức sống rất mãnh liệt, vì vậy cách trồng cũng không quá phức tạp

Kiếm là dòng lan có sức sống mãnh liệt bậc nhất. Dù cho các điều kiện ngoại cảnh có tác động, thì chúng vẫn cố gắng vươn mình, sinh trưởng và phát triển.

Vì vậy, hiếm có ai đã trồng Kiếm mà để chúng chết cả. Tuy nhiên, không phải nói như thế, mà chúng ta ‘’đối xử’’ với chúng thế nào cũng được đâu nhé?

Để lan Kiếm có một môi trường sống, cũng như phát triển một cách toàn diện nhất, bạn cần phải đáp ứng được những bước sau đây:

Chọn cây giống và xử lý cây giống

Bước chọn cây giống sẽ khá là quan trọng, trong suốt quá trình chăm sóc lan Kiếm. Vì giống tốt, đẹp thì thân con mới phát triển khỏe mạnh được.

Đầu tiên, trước khi mua bạn nên quan sát và lựa chọn, những bụi Kiếm có lá rộng, ngắn thôi, nhưng phải dày, giả hành mập.

Theo kinh nghiệm của mình: nếu bạn chọn được loại có nhiều lá trên giả hành, thì sau này bụi lan Kiếm sẽ sinh trưởng rất nhanh.

Kiếm khi mua về, thường sẽ được bó thành từng khóm. Bạn nên tách chúng ra, để dễ trồng, và giúp chúng có không gian phát triển tốt hơn.

chọn cây giống và xử lý cây giống Cymbidium đúng cách
Kiếm sau khi mua về, cần được tách thành từng khóm, để xử lí và trồng dễ hơn

Bạn dùng kéo, chọn đúng chỗ khóm Kiếm cần tách và cắt dứt khoát.

Để cẩn thận hơn, bạn bôi keo liền sẹo Morrisons tree seal vào vết cắt, nhằm mục đích chống khuẩn và nấm.

Sau đó, nếu bạn quan sát thấy những rễ kiếm mua về đã khô và hóa đen thì tiến hành cắt bỏ luôn.

Rửa sạch, rồi ngâm trong chế phẩm Hùng Nguyễn theo tỉ lệ: 20 giọt/1l nước (trong khoảng thời gian khoảng 45 phút).

Kết thúc thời gian ngâm, bạn vớt ra, để thật khô ráo rồi mới tiến hành trồng nhé!

Giá thể trồng lan Kiếm

Lan Kiếm có sức sống tốt, chính vì vậy giá thể trồng được chúng cũng rất đa dạng.

Bạn có thể dùng vỏ thông; xơ dừa băm khúc; hoặc trộn nhiều giá thể lại với nhau đều được.

Với riêng mình, mình rất thích chọn giá thể là dớn cọng để trồng Kiếm. Vì chúng có đặc tính giữ ẩm cao, thông thoáng, giúp rễ phát triển nhanh và ít bị nấm mốc.

giá thể Dớn cọng để trồng Cymbidium
Dớn cọng là loại giá thể rất phù hợp để trồng lan Kiếm

Dớn cọng thì cũng dễ mua thôi, bạn ra các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Hoặc là đặt trên các trang thương mại điện tử là sẽ có.

Mình dùng dớn cọng loại nhỏ hãng Newzita, loại này mình đánh giá rất cao. Vì chúng có khả năng giữ ẩm tốt, thoát nước nhanh, rất phù hợp khi trồng Kiếm.

Dớn khi mới mua về bạn cần phải rửa thật sạch, sau đó đem đi luộc, hoặc ngâm với nước vôi trong, để khô ráo sau đó mới tiến hành trồng được.

Đừng sợ cực mà bỏ qua bước này bạn nhé, vì chúng ta càng kỹ, càng chu đáo thì sau này lan lại càng đẹp, giảm thiểu được các tác nhân gây bệnh.

Các bước trồng lan Kiếm vào chậu đơn giản, dễ thực hiện

cách trồng lan Kiếm vào chậu đơn giản hiệu quả

Sau khi đã xử lý cây giống, cũng như chọn được giả hành phù hợp, thì cùng bắt tay vào trồng thôi.

Đầu tiên sẽ là….

#1. Chọn chậu

Bước đầu, mình chọn chậu gỗ căm xe để trồng lan Kiếm. Vì mình để ý thấy: Kiếm phát rất triển nhanh và chiếm diện tích khá nhiều.

Dùng chậu căm xe, vừa đảm bảo sự cân đối giữa chậu và lan, vừa rộng rãi cho cây thoải mái phát triển.

Sau này nếu Kiếm đẻ ra nhiều nữa, chúng ta cũng dễ dàng tách chúng ra để trồng vào chậu khác.

Sau khi đã chọn được chậu vừa ý, bạn nên gắn luôn móc treo vào chậu. Để trong quá trình trồng, chúng ta có thể nẹp cành, lá vào móc treo luôn.

#2. Tiến hành trồng

Sau khi chọn chậu xong, bạn tiếp tục tiến hành các bước trồng Kiếm như sau:

  • Bước 1: Bạn phủ một lớp Dớn mỏng vào trong chậu, sau đó dựng Kiếm vào. Tiếp đến, dùng dây kẽm bọc nhựa, hoặc dây thắt cố định lá vào dây móc treo của chậu.
  • Bước 2: Cho phần dớn còn lại vào chậu, rải đều từ trong ra ngoài.

Lưu ý:

  • Trong quá trình cho dớn vào chậu, bạn làm thật nhẹ nhàng. Tránh nhấn mạnh quá, sẽ làm xước mắt ngủ của lan.
  • Khi trồng cây vào chậu, phải đặt cây thẳng và hướng lên để giúp cây quang hợp tốt. Và mặt cây phải nổi lên trên, cao hơn mặt chậu.

Cách chăm sóc lan Kiếm đúng cách, phát triển nhanh

Cách chăm sóc lan Kiếm đúng cách, phát triển nhanh

Nhiệt độ

Việc đầu tiên, mà bạn cần quan tâm, khi bắt đầu chăm sóc cây lan Kiếm của chúng ta chính là nhiệt độ.

Bởi vì nhiệt đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây.

Sau khi đã thử nghiệm, chăm sóc nhiều chậu lan Kiếm tại nhà, cũng như tham khảo qua các kênh truyền thông chuyên về lan Kiếm.

Mình rút ra được vài kinh nghiệm về nhiệt độ cho lan Kiếm như sau:

  • Nhiệt độ phù hợp nhất cho các bụi lan Kiếm để phát triển là khoảng từ 20 – 30 độ C
  • Nhiệt độ phải đảm bảo ở mức dung hòa, không quá nóng, và cũng không quá lạnh.
  • Không nên treo lan Kiếm ở những nơi nền nhiệt quá cao (tối đa không quá 35 độ C) hay nền nhiệt quá thấp (tối thiểu không dưới 15 độ C).

Ánh sáng

chế độ ánh sáng phù hợp cho Cymbidium

Tất nhiên, đã chơi Lan kiếm thì chúng ta không chỉ để ý đến sự phát triển của cây đúng không nào!

Mà điều quan trọng hơn cả, chính là sự ra hoa của Kiếm!

Vậy nên, ánh sáng sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định cây Kiếm của bạn có ra hoa đều và đẹp hay không?

Bạn nên nhớ kỹ: ‘’ánh sáng’’ và‘’ánh nắng’’ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau đấy nhé!

Lan Kiếm là loài ưa ánh sáng tán xạ (khoảng 60 – 70%). Tức là: ánh nắng đi qua một vật thể nào đó, rồi mới chiếu tới chậu lan của chúng ta.

Chính vì thế, rất nhiều người thường treo Kiếm ở những gốc cây, hay dưới lưới đen che nắng để cây không bị cháy nắng nhưng vẫn đủ ánh sáng phát triển.

Với cách làm của mình:

  • Mình thường sẽ tắm nắng cho những chậu Kiếm trong khoảng thời gian nắng chưa gắt, khoảng 7 – 8 giờ sáng.
  • Sau đó, lại đưa chúng vào giàn có che tránh ánh nắng trực tiếp của buổi trưa.

Nếu cây được hấp thụ ánh sáng một cách đầy đủ, khoa học. Thì thân và lá sẽ rất khỏe, nhìn cứng cáp, có màu xanh mướt.

Đó chính là biểu hiện của một cây Kiếm đáp ứng đủ ánh sáng. 

Tưới nước

lượng nước tưới phù hợp cho Cymbidium

Ngoài việc ưa ánh sáng ra, Kiếm còn rất ưa ẩm. Vì vậy, việc tưới nước cho Kiếm, để đảm bảo độ ẩm. Cũng là vấn đề bạn nên đặc biệt quan tâm.

Thời tiết ở mức dễ chịu, với điều kiện bình thường. Thì một ngày mình tưới nước một lần. Thường sẽ vào buổi sáng, hoặc đôi lúc quên hay bận gì đó thì chiều tối.

Đặc biệt, khi trời chuyển qua mùa hè, khí hậu hanh khô, thì mình khuyến cáo một ngày nên tưới nước 2 lần. Cả sáng và chiều tối.

Ngược lại, vào mùa đông, thì bạn nên hạn chế tưới nước và lượng phân bón, để cây phát triển bình thường nhé!

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý từng giai đoạn phát triển của cây, để tự điều chỉnh, tăng hoặc giảm lượng nước tưới cho cây sao cho phù hợp nhất.

Vì không phải trong giai đoạn nào, chúng ta cũng có cùng một lượng nước nhất định cho cây. Mình chia ra các thời kỳ sau:

  • Thời kỳ 1: Cây con phát triển, có chồi hoa, và sau thời kì ra hoa. Tăng lượng nước tưới cho cây.
  • Thời kỳ 2: Giả hành phát triển hoàn chỉnh, thời gian Kiếm chuẩn bị bung hoa. Giảm lượng nước và số lần tưới.

Cách Bón phân cho lan Kiếm hiệu quả nhất

Giai đoạn sau khi trồng là giai đoạn đặc biệt quan trọng, nếu như chúng ta không bón phân cho cây, thì tốc độ sinh trưởng và phát triển sẽ kém đi.

Chính vì vậy, muốn cây sinh trưởng tốt, đạt chuẩn thì việc bón phân là điều bắt buộc.

Công thức bón phân cho Kiếm của mình rất đơn giải như sau:

Giai đoạn mới trồng xong

bón phân cho Cymbidium giai đoạn mới trồng

Loại phân phù hợp cho giai đoạn này là hỗn hợp sau:

  • Chế phẩm Hùng Nguyễn: 15 – 20 giọt.
  • Growmore 30-10-10+TE: 1 – 2g

Dùng hai hỗn hợp trên cùng với 1,5l nước, phun đều từ 5 – 7 ngày/lần. Thời gian phun là vào sáng sớm.

Sau đó, có thể bổ sung Cam bi Nhật, phun 1 tháng/lần.

Cam bi Nhật chứa các nguyên tố trung vi lượng, giúp Kiếm dễ dàng hấp thu 100% dưỡng chất. Đồng thời còn giúp cho cây hấp thụ nhanh các dưỡng chất khác ở bên trong đất.

Trong giai đoạn phát triển, kích thích ra hoa

bón phân cho Cymbidium giai đoạn kích ra hoa

Sau khi Kiếm đã phát triển, Kiếm mẹ đẻ ra các cây kiếm con, mọc thành khóm. Muốn kích hoa thì mình không dùng 30-10-10 nữa…

… mà chuyển qua phân bón lá Grow more 6-30-30+TE

Dùng 6-30-30+TE trong giai đoạn này, sẽ giúp cây tăng trưởng thêm phần rễ, giúp cây khỏe mạnh, gia tăng sức đề kháng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa.

Cách dùng như sau: Bạn pha 1-2g/lít nước. Sau đó phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Lưu ý là phun đều lên thân lá vào sáng sớm, hoặc chiều mát.

Giai đoạn hoa nở

bón phân cho Cymbidium giai đoạn đã ra hoa

Thời kỳ Kiếm sau khi kích hoa, chuẩn bị ra hoa. Mình tiếp tục sử dụng NPK 20-20-20+TE.

Với hàm lượng đạm, lân, kali cao. Chúng sẽ cung cấp cho cây, đầy đủ các chất trung vi lượng cân đối.

Giúp lan sinh trưởng mạnh, phát triển tốt. Hoa ra đẹp, đều màu và bền hơn.

Cách dùng:

  • Lan đã ra nụ: Pha 2 – 3g/1 lít nước, phun định kỳ 5 – 7 ngày/lần
  • Lan đã nở hoa: Pha 2 – 3g/1 lít nước, phun dưỡng hoa 7 – 10 ngày/lần

Bạn lưu ý phun đều lên thân lá. Thời điểm thích hợp nhất sẽ là buổi sáng sớm, hoặc nếu bận quá thì cũng có thể phun vào chiều mát.

Đặc biệt, trong thời kỳ hoa đã nở, thì không phun trực tiếp lên hoa nhé!

Và đó là cách bón phân cho Kiếm giúp cây phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao.

Một cây kiếm khi chăm sóc đúng cách, kèm bón phân chuẩn sẽ có giả hành bự, bản lá rộng, và nhiều lá trên một giả hành.

Cách phòng bệnh cho lan Kiếm hiệu quả

cách phòng bệnh hiệu quả cho Cymbidium
chăm sóc lan Kiếm đúng cách khoa học cây sẽ luôn khỏe mạnh và ra hoa đúng mùa

Trong quá trình trồng và chăm sóc, mình nhận ra một căn bệnh thường hay gặp phải nhất ở lan Kiếm, chính là bệnh thối nhũn.

Bạn quan sát, nếu lá của Kiếm bắt đầu có những chấm nhỏ, mọng nước, nhìn như vết phỏng nước sôi.

Đặc trưng hơn nữa, là chỗ mắc bệnh, khi đưa lên mũi ngửi, các bạn sẽ gặp một mùi hôi nồng nặc, rất khó chịu.

Gặp các dấu hiệu trên, thì chắc chắn lan Kiếm của bạn đã mắc chứng bệnh này.

Ngay sau khi đã xác định được tình trạng bệnh, bạn thực hiện các bước xử lý như sau:

  • Bước 1: Cách ly ngay cây bệnh ra khỏi vườn, và cắt nước ít nhất 3 ngày.
  • Bước 2: Dùng dao lam đã được khử trùng bằng Physan 20, hoặc cồn 90 độ, cắt bỏ đoạn lá bị bệnh. Cắt xa đoạn bị bệnh khoảng 2 – 3 cm. Sau đó, dùng keo liền sẹo Tree Seal của mỹ trét kín vết cắt.
  • Bước 3: Giảm độ ẩm, ngưng bón phân nhiều đạm, vì đạm có thể khiến cây mắc bệnh nặng hơn.

Dùng thêm viên sủi Poner – 40TB, pha với tỉ lệ đậm đặc 1 viên/8 lít nước, phun đều lên mặt lá và sáng sớm hoặc chiều mát.

Bạn lưu ý dùng thuốc tầm 3 – 5 lần, cứ cách khoảng 4 ngày thì dùng lại một lần, để đảm bảo dứt điểm tình trạng bệnh.

Ngoài ra, phải đảm bảo là không để mưa làm ướt cây nhé, nếu không che mưa thì dùng thuốc coi như vô ích đấy!

Sau khi dùng thuốc xong, cây sẽ bị suy mầm và yếu, vì vậy cần bón phân hợp lí để cây hồi sức trở lại nhé!

Và đó cũng là chia sẻ cuối cùng của mình trong bài viết hôm nay!

Hi vọng, với những kiến thức trên, sẽ giúp ích cho bạn, trong việc trồng và chăm sóc, để có những chậu lan Kiếm đẹp nhất.

Mình từng nghe được ở đâu đó, có một câu rất hay thế này:

‘’Khi chơi Lan, người ta phân biệt rõ ràng thành hai hoạt động, một là chăm sóc lan là hoạt động lí trí mang tính khoa học, kĩ thuật. Hai là thưởng thức lan, đem lại tính nghệ thuật, thẩm mỹ và tình cảm’’

Chúc bạn đủ kiến thức, những kỹ thuật chăm sóc hoa lan phong phú và một cái tâm chân tình để thưởng thức và tận hưởng thành quả của chính mình kiến tạo nên.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *