Các loại lan Hoàng Thảo đẹp lạ và cách trồng, chăm sóc chi tiết

8 Lan Hoàng Thảo đẹp lạ & cách trồng, chăm sóc đơn giản

Lan Hoàng Thảo là gì? Nó là một loài hoa riêng biệt? Hay bao gồm nhiều loại lan khác nhau?

Thành thật mà nói, đây là một chủ đề không mới. Thế nhưng, hàng tuần, vẫn có nhiều bạn trên mạng xã hội hỏi mình câu hỏi trên.

Có thể, mọi người thấy mình suốt ngày “quấn quýt” ở vườn lan, nên nghĩ mình là chuyên gia. Từ đó mà tin tưởng đặt cho mình những câu hỏi như vậy.

Thực tế thì..! Mình làm trong ngành Sales và hoa lan chỉ là thú vui riêng của mình.

Vậy, một người ‘’ngoại đạo’’ như mình, hiểu thế nào về lan Hoàng Thảo? Tại sao chúng rất hay được mình nhắc tới qua rất nhiều bài viết trước đây?

Tất cả sẽ được mình giải đáp trong bài viết dưới đây. Hãy cùng Nghiện Lan bước vào thế giới của phong lan để tìm hiểu rõ hơn về lan Hoàng Thảo nhé!

Đặc điểm chung của lan Hoàng Thảo

Lan Hoàng Thảo là một chi lan lớn trong họ lan
Lan Hoàng Thảo là tên gọi chung của một chi lan lớn trong họ lan

Lan Hoàn Thảo có phải là một cá thể lan đơn lẻ không? Câu trả lời là: “Không”.

Thực tế, vẫn có khá nhiều người nhầm lẫn về khái niệm rất cơ bản này! Và trong đó, có cả mình.

Thời gian đầu, mình nghĩ lan Hoàng Thảo là những cá thể riêng biệt như: lan Kiếm, lan Vũ Nữ, hay lan Phi Điệp,…

Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ sai lầm!

Theo Wikipedia, lan Hoàng Thảo là 1 chi phong lan có tên khoa học là Dendrobium. Đây là chi lan rất lớn so với các chi lan khác trong họ phong lan (Orchidaceae).

Hiện nay, chi lan Hoàng Thảo bao gồm hơn 1.200 loài. Chúng phân bố rộng rãi ở các khu vực: Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, Úc và New Guinea.

Cái tên Dendrobium được ghép từ tiếng Hy Lạp. Trong đó Dendro là ‘’cây’’, còn bios là ‘’sinh sống’’.

Tổng hợp lại ta có nghĩa là ‘’loài sống trên cây’’. Hoặc có thể gọi theo cách khác là “thực vật biểu sinh”.

Một kiến thức rất thú vị đúng không nào!

8 loại lan Hoàng Thảo nổi tiếng ở Việt Nam

Như mình đã nói ở trên, chi lan Hoàng Thảo có hơn 1.200 loài. Đây là một con số quá lớn để mình có thể thống kê chi tiết. Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập đến các loài đẹp nổi tiếng, phổ biến tại Việt Nam thôi nhé!

#1. Hoàng Thảo Lá Cong – Dendrobium acinaciforme

Lan Hoàng Thảo lá cong

Ngoài cái tên Hoàng Thảo Lá Cong, thì tuỳ thuộc vào các vùng miền. Mà giống lan này còn có những tên gọi khác nữa là: chân rết lá xanh, lan xương cá…

Hoàng Thảo Lá Cong là loài sống phụ sinh. Trong quá trình phát triển, lan mọc thành bụi, cao từ 20 – 40cm. Lá của chúng rất ngắn, cứng cáp, dày và nhọn đỉnh. Chiều dài lá chỉ khoảng 2-3 cm và mọc sole sát nhau như hình xương cá.

Hoa của dòng Hoàng Thảo Lá Cong thường mọc ở đỉnh, khá nhỏ. Màu hoa chủ đạo thường là vàng nhạt, hoặc trắng sữa. Cánh môi có chấm vàng ở giữa và có các đường gân màu hồng nhạt.

Thời gian nở hoa của lan Hoàng Thảo Lá Cong rơi vào mùa hè. Khi hoa nở, lan cho mùi hương rất nhẹ nhàng, mang lại cảm giác rất dễ chịu.

Về độ bền, thì còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết tại thời điểm ra hoa. Mà hoa của chúng sẽ lâu tàn hay nhanh tàn.

Thường thì hoa của chúng sẽ là 10 – 15 ngày khi thời tiết mát mẻ. Và sẽ là 5 – 7 ngày khi thời tiết nóng, khô hanh.

Khu vực phân bố của lan Hoàng Thảo Lá Cong là từ miền Bắc (Ninh Bình), qua dãy Trường Sơn như Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh tây Nguyên (Gia Lai, Kontum, Daklak, Lâm Đồng)…

#2. Hoàng Thảo Thân Gãy – Dendrobium aduncum

Lan Hoàng Thảo thân gãy

Lan Hoàng Thảo Thân Gãy còn được gọi là Hồng Câu, hay Hoàng Thảo thập hoa. Chúng là loài lan rừng mọc thành chùm.

Giống lan này sống phụ sinh ở cây cao, thân buông xuống nhìn như gãy khúc. Cũng chính vì chúng có đặc điểm như vậy, nên người ta thường gọi là ‘’thân gãy’’.

Lá của chúng thường dài 7 – 8cm, rộng 1 – 2cm, nhọn đỉnh và hơi cúp.

Hoa của Hoàng Thảo Thân Gãy thường mọc tại điểm giao nhau giữa các đốt lan. Ngồng hoa của lan rất ngắn và thường có 2 – 4 bông trên 1 chùm.

Mỗi bông hoa có đường kính khoảng 3 – 3,5cm, với cánh hoa màu hồng nhạt, lưỡi hoa màu trắng tuyết và mũi hoa màu rượu vang.

Hương hoa của lan Hoàng Thảo Thân Gãy dễ làm say đắm lòng người vì có mùi hương đặc trưng như Vani.

Khu vực có nhiều Lan Hoàng Thảo Thân Gãy sinh sống trong tự nhiên, theo mình biết đó là: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng….)

#3. Hoàng Thảo Móng Rồng – Dendrobium Nathanielis

Lan Hoàng Thảo Móng Rồng

Hoàng Thảo Móng Rồng là loại lan rừng tự nhiên, được tìm thấy nhiều ở những vùng cận xích đạo.

Theo một số ghi chép, thì chúng được các nhà khoa học, tìm thấy từ những năm 1986.

Chiều cao trung bình của lan Hoàng Thảo Móng Rồng là khoảng 40cm. Lá cây rất dày, dài 2 -3cm, rộng 0,8 – 1cm, mọc sole nhau và có đỉnh rất nhọn.

Hoa của Hoàng Thảo Móng Rồng có màu trắng chủ đạo rất đẹp mắt. Lưỡi hoa xẻ thùy và có chấm vàng ở giữa tạo điểm nhấn cho bông.

Hoa thường của Móng Rồng thường nở rộ vào tháng 6. Thời gian lưu hoa, của Hoàng Thảo Móng Rồng cũng rất tuyệt vời, khoảng 5 tháng, trong điều kiện chăm sóc tốt.

Khu vực được nhiều người phát hiện lan Móng Rồng trong tự nhiên là: Đà Lạt, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Nam Bộ (Đồng Nai)…

#4. Hoàng Thảo Hương Duyên – Dendrobium Ellipsophyllum

Lan Hoàng Thảo Hương Duyên

Nghe cái tên thôi, thì đã thấy độ duyên dáng của dòng Hoàng Thảo này rồi!

Nếu đã trót đem lòng yêu lan rừng, thì bạn không thể nào không nhắc đến Hoàng Thảo Hương Duyên.

Với vẻ đẹp độc đáo, nổi bật giữa núi rừng, cùng với đó là sức sống vô cùng mạnh mẽ.

Hoàng Thảo Hương Duyên, thường mọc thành bụi, thân cây có dạng tròn dài khoảng 30 – 50cm, đường kính khoảng 1 – 1,3cm.

Lan Hương Duyên có lá dài khoảng 4 – 5cm, rộng khoảng 2 – 2,5cm. Các lá xếp dày đặc ở đỉnh và thưa dần ở phần gốc .

Hoa của Hoàng Thảo Hương Duyên thường mọc ở vị trí giao nhau của 2 đốt lan. Mỗi vị trí ra hoa thường chỉ có 1 – 2 bông, với đường kính 2,5 – 3cm, nhìn rất thưa chứ không dày như các giống Hoàng Thảo khác.

mặt hoa của Hoàng Thảo Hương Duyên có đường kính khoảng 2cm
Mặt hoa của Hoàng Thảo Hương Duyên có đường kính khoảng 2cm

Hoa lan Hương Duyên có màu trắng chủ đạo, cánh hoa hơi ngà xanh, uốn cong về phía sau. Môi hoa màu vàng, thường có 3 vạch nâu đậm trên môi.

Giống lan này thường ra hoa vào tháng 3. Khi nở, hoa có mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, độ bền hoa khá lâu (khoảng 40 – 50 ngày).

Hoàng Thảo Hương Duyên, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, xứ sở Đà Lạt – Lâm Đồng do có khí hậu mát mẻ nên rất thích hợp để trồng loại hoa này.

#5. Lan Hoàng Thảo Loa Kèn – Dendrobium Lituiflorum

lan Hoàng thảo Kèn

Hoàng Thảo Loa Kèn là loài lan cực đẹp và quý hiếm!

Do đó, khi nhắc đến chi lan Hoàng Thảo mà không nói đến Hoàng Thảo Loa Kèn là một thiếu sót lớn.

Giống lan này thường mọc thành từng cụm, ở những cánh rừng nguyên sinh với độ cao từ 300 đến 1500m.

Cây lan có kích thước trung bình, chiều dài khoảng 30 – 80 cm. Thân cây có dạng trụ, gồm nhiều đốt cách khá xa nhau và buông thõng xuống dưới như thác đổ.

Mỗi một đốt trên thân cây non được bao bọc bằng các lớp lá xanh non. Đến khi cây ra hoa hoặc già đi, thì thân lại được bao bọc bởi các lớp màng trắng do lá rụng để lại.

Hoa của Hoàng Thảo kèn nở vào mùa Xuân, khoảng tháng 2 – 3 dương lịch. Các bông hoa mọc từ các đốt lan đã rụng lá, dọc theo 2/3 thân cây về phía ngọn.

mặt hoa của Hoàng thảo Kèn có đường kính từ 6 - 10 cm
Mặt hoa của Hoàng Thảo Kèn có đường kính từ 4 – 6cm

Mỗi bông hoa của Hoàng Thảo Kèn thường có đường kính 4 – 6cm, với cánh hoa màu tím, vành môi màu trắng và họng hoa màu tím đậm.

Phong lan Hoàng Thảo kèn nổi tiếng không chỉ vì hoa đẹp lâu tàn, mà hương hoa của chúng cũng rất nồng nàn, quyến rũ.

Hiện nay, ngoài tự nhiên rất hiếm gặp Hoàng Thảo Kèn. Chỉ có 1 số vùng còn hàng thuần chủng là các khu vực: Lai Châu, Sơn La và các tỉnh ở Tây nguyên…

Còn lại, đa phần, các cây Hoàng Thảo Kèn có mặt ở các vườn lan bây giò chủ yếu là hàng đã bị lai tạp.

Nếu không có biện pháp bảo tồn kịp, cùng ý thức giữ gìn thì rất có khả năng loài lan quý hiếm này sẽ bị tuyệt chủng.

Một tín hiệu rất đáng mừng là: hiện nay tại các cơ sở nguyên cứu, người ta đã bắt đầu nuôi cấy mô đại trà loại lan này.

#6. Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng – Dendrobium Bellatulum rolfe

Lan Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng

Lan Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng, hay Hoàng Thảo Đốm Đỏ… là một trong những loài lan rừng đặc biệt quý hiếm mà nước ta may mắn sở hữu.

Chúng được ghi tên vào sách đỏ của Việt Nam năm 1996. Đồng thời, được Nhà nước ta đề xuất xây dựng khu bảo tồn và nhân giống trong các vườn quốc gia.

Ngoài ra, Nhà nước còn cử hẳn các kỹ sư nông nghiệp, trực tiếp mang cây giống từ những cánh rừng nguyên sinh về để bảo tồn và chăm sóc giống lan này.

Mặt hoa của Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng có đường kính từ 2,5cm - 4,5cm
Mặt hoa của Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng có đường kính từ 2,5cm – 4,5cm

Phong lan Bạch Hỏa Hoàng có chiều dài thân khoảng 2 – 6 cm. Lá dày, cứng, dài khoảng 10cm, xếp sole thành hai hàng dọc thân.

Điều tạo nên giá trị lớn nhất của Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng chính là độ quyến rũ của hoa.

Hoa của Bạch Hỏa Hoàng có dạng chùm, ngồng hoa mọc ở nách lá, dài khoảng 10cm và thường mang 3- 4 bông hoa.

Mỗi bông hoa của Bạch Hỏa Hoàng thường có đường kính 2,5 – 4,5 cm. Cánh hoa có màu trắng, môi hoa màu đỏ và họng của hoa có màu đỏ cam đẹp mắt.
Phong lan Bạch Hỏa Hoàng thường nở hoa vào tháng 2 – 3 tháng hằng năm, với thời gian lưu hoa khoảng 1 tháng.

Hoàng Thảo Bạch Hỏa Hoàng ưa khí hậu khô nóng. Nên không khó hiểu khi chúng phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên như: Kon Tum ( Đắk Glei, Kon Plông, Măng Đen, Đắk Uy); Lâm Đồng (Đà Lạt, Langbiang, Bidoup..)

#7. Hoàng Phi Hạc – Dendro Signatum

Hoàng Thảo Hoàng Phi Hạc
Người ta thường nói ‘’Hoàng Thảo Hoàng Phi Hạc, không mang nét đẹp sặc sỡ như Phi Điệp, không có mùi hương quyến rũ như lan Trầm và càng không yểu điệu thướt tha như Long Tu..’’

Mặc dù vậy, không vì thế mà chúng bị đánh giá thấp đối với các ‘’anh em’’ cùng chi Hoàng Thảo.

Điểm đặc biệt ở Hoàng Phi Hạc là khả năng thích nghi với môi trường mới cực nhanh.

Ngoài ra, ở chúng còn toát lên nét đẹp đơn giản nhưng hết sức “tinh tế’’. Nên khi mọi người càng ngắm lan càng bị cuốn hút, si mê.

Thân lan Hoàng Phi Hạc căng mập ở hướng đầu giả hành nhưng thóp nhỏ ở phần gốc. Phần lớn giả hành thường được bao bởi lớp màng trắng, sọc vàng nhạt, do bẹ lá già rụng để lại.

Lá của Hoàng Phi Hạc dài khoảng 1,5 – 2,5cm, rộng khoản 1,3 – 1,5cm. Phiến lá mỏng, có rãnh sâu dọc theo bề mặt và hơi cụp ở phần đỉnh.

Màu sắc là thì tùy thuộc vào điều kiện sống tự nhiên mà có thể là màu xanh non, xanh đậm hoặc xanh ngả vàng.

Hoa của Hoàng Phi Hạc có dạng chùm và thường nở từ tháng 4 đến tháng 6. Cần hoa mọc ra ở mắt lan, có chiều dài khoảng 2 – 5cm và thường chứa 3 – 5 bông hoa.

Mỗi bông hoa có cánh hoa xoăn tít rất đặc biệt. Độ bền của hoa khoảng 7 – 10 ngày trong điều kiện nóng, khô. Và hoa của chúng có thể lên đến trên 10 ngày nếu thời tiết mát mẻ, se lạnh.

Khu vực được nhiều người ghi nhận còn lan Hoàng Phi Hạc trong tự nhiên, là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên: Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

#8. Lan Hoàng Thảo Nhất Điểm Hồng – Dendrobium Draconis

Cách nhận biết Dendrobium draconis qua quan sát thân lá

Dong lan cuối cùng trong chi lan Hoàng Thảo mà mình muốn giới thiệu đến các bạn là Hoàng Thảo Nhất Điểm Hồng!

Mình thường miêu tả hóm hỉnh về Nhất Điểm Hồng là ‘’đẹp từ cái tên đẹp ra’’…

Và quả thật, chúng mang một vẻ đẹp rất riêng biệt. Khiến người thưởng thức, luôn trong cảm giác bị cuốn hút, chìm đắm vào nó.

Giống cây này khá thấp, giả hành dài chỉ khoảng 20 – 40 cm. Lớp vỏ lụa bao bọc thân có lớp lông màu đen rất đặc trưng.

Lá cây có hình trứng, giống mũi mác, dài khoảng 4 – 6 cm, rộng khoảng 1,5 – 3 cm, với bẹ lá ôm thân cây.

mặt hoa của Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng có đường kính từ 4cm-6cm
Mặt hoa của Hoàng thảo Nhất Điểm Hồng có đường kính từ 4cm-6cm

Nhất Điểm Hồng có vòi hoa phát mọc từ mắt ở đốt của thân cây. Mỗi vòi hoa thường chứa 2 – 5 hoa.

Mỗi bông hoa có đường kính 4 – 6 cm, cánh hoa màu kem bóng, họng hoa màu đỏ hoặc đỏ cam, cực kì nổi bật.

Hương thơm của Nhất Điểm Hồng rất đặc trưng và dễ nhận biết vì có mùi thơm như mùi cam, quýt.

Dòng lan này đặc biệt ưu khí hậu lạnh, thoáng mát, khô thoáng. Nên được tìm thấy rất nhiều ở khu vực Đà Lạt, Lâm Đồng.

Ngoài ra, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông cũng xuất hiện nhiều giống lan này.

Ngoài các loài lan đã kể trên, chi lan Hoàng Thảo còn có rất nhiều loài tuyệt vời khác có thể kể đến như: Hoàng Thảo Trầm; Hoàng Thảo Hạc Vỹ; Hoàng thảo Phi Điệp; Hoàng Thảo Long Tu…

Tuỳ vào mỗi loại, sẽ có những điểm khác biệt, cùng vẻ đẹp riêng. Mình đã có những bài viết rất cụ thể, về từng giống lan này. Bạn có thể ghé thăm chuyên mục Blog để đọc thêm nhé!

Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Hoàng Thảo cơ bản

quy trình kỹ thuật chăm lan Hoàng thảo

Với rất nhiều dòng lan đã nêu ở trên, thật khó để liệt kê chi tiết cách trồng và chăm sóc của riêng từng loại.

Vì tùy theo các loại lan, sẽ có những đặc tính và điều kiện sinh trưởng khác nhau nhất định.

Vậy nên trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chia sẻ những bước cơ bản nhất, mà không đi sâu vào bất cứ loại lan Hoàng Thảo nào.

Để bạn có thể áp dụng 1 cách linh động và có thời gian trải nghiệm thú vị đối với từng loại lan mà bạn muốn trồng.

Các bước cơ bản sẽ như sau:

Chọn giống cây

chọn cây giống phong lan Hoàng thảo

Không chỉ riêng chi lan Hoàng Thảo, mà khi mua bất kì một loại lan nào. Nếu bạn muốn chúng sinh trường tốt, thì bạn cần phải có bước chọn giống thật “chuẩn”.

Cụ thể, cần lưu ý 4 điểm sau đây:

  • Đảm bảo lan không bị dập, tổn thương trong quá trình di chuyển
  • Không nên vì tiếc tiền mà mua những cây lan còn quá nhỏ.
  • Nên mua cây giống đã cận trưởng thành để cây lan có sức sống và sức đề kháng tốt hơn.
  • Chọn những cây lan có thân to, mập; rễ không bị côn trùng cắn phá…

Giá trị của lan Hoàng Thảo khá cao, nên chi phí để sưu tầm cũng sẽ không hề rẻ.

Vì thế, khi đã chấp nhận “đầu tư” để mua chúng về. Thì bạn hoàn toàn có quyền đòi hỏi những chỉ tiêu cây giống cao nhất với người bán…

Để từ đó, có thể tiết kiệm được thời gian chăm sóc, cũng như xứng đáng với đồng tiền và công sức mình bỏ ra. Hãy nhớ kỹ lưu ý này nhé các bạn!

Giá thể trồng lan Hoàng Thảo

Lan Hoàng Thảo không quá kén chọn giá thể trồng. Vì thế bạn có thể trồng lan Hoàng Thảo bằng nhiều loại giá thể khác nhau như: gỗ (vú sữa, nhãn…), bảng dớn, vỏ thông, than củi, sơ dừa…

Các loại Hoàng Thảo phù hợp Ghép gỗ và bảng dớn thường là những dòng lan thân thòng như: Hạc Vỹ, Long Tu, Trầm, Phi Điệp,v.v…

giá thể trồng lan hoàng thảo đối với những loại thân thòng
Các giống lan Hoàng Thảo như Hạc Vỹ, Phi Điệp, Long Tu,…khi được ghép trên gỗ nhãn, ngoài việc làm tăng tính thẩm mĩ. Chúng còn giúp lan phát triển rất tốt

Những loại có lớp lông phủ bên ngoài giả hành, có thân ngắn – mập, hướng thẳng lên cao. Thì phù hợp với giá thể chậu Dớn. Điển hình là các loài: Nhất Điểm Hồng, Bạch Hạc, Nhất Điểm Hoàng,..

Tùy vào mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, loại giá thể nào thì cũng nên được xử lý trước khi trồng.

Cách xử lý đơn giản được nhiều người thực hiện nhất là: luộc qua giá thể hoặc ngâm với nước vôi trong 2 – 3 ngày, để phòng trừ nấm – khuẩn gây hại cho lan.

Thời vụ trồng lan Hoàng Thảo

thời vụ thích hợp trồng lan Hoàng thảo

Mọi người thường lo sợ nếu trồng không đúng thời điểm, lan Hoàng Thảo sẽ bị ‘’sốc’’ và dễ chết.

Tuy nhiên, điều này không hẳn là chính xác, vì lan chỉ chết khi chúng ta nuôi trồng không đúng cách thôi.

Với mình, bạn có thể trồng lan Hoàng Thảo quanh năm, miễn sao bạn có được cây giống đủ tốt và chế độ chăm sóc khoa học.

Vì thế, một khi đã đáp ứng được các điều kiện trên. Bạn có thể thoải mái trồng lan mà không cần lo lắng về vấn đề “thời điểm trồng thích hợp”.

Chế độ chăm sóc phù hợp cho lan Hoàng Thảo

Chế độ ánh sáng phù hợp cho dòng lan Hoàng Thảo

Dưới đây là các yếu tố mà bạn cần để ý, nếu muốn lan Hoàng Thảo có một điều kiện phát triển một cách tốt nhất:

  • Giống Hoàng Thảo sẽ phát triển tốt khi nhiệt độ ở mức 26 – 32 độ C vào ban ngày, và ban đêm là 18 – 21 độ C.
  • Lan Hoàng Thảo cần rất nhiều ánh sáng để phát triển. Cây lan sẽ không ra hoa được nếu ánh sáng không đủ. Đặc biệt vào mùa đông, bạn càng phải cung cấp nhiều ánh sáng cho cây vào ban ngày, để chúng được sưởi ấm tốt hơn.
  • Độ ẩm thích hợp nhất cho lan Hoàng Thảo rơi vào 80% vào mùa hè, và 60% vào mùa đông. Chúng cần đảm bảo được yếu tố này, để có môi trường sinh trưởng tốt nhất.
  • Có một mẹo nhỏ, để bạn gia tăng độ ẩm. Đó là tưới nước xung quanh vườn lan của mình, điều này cũng là cách tăng độ ẩm nhân tạo rất tốt.

Phòng trừ sâu bệnh cho lan Hoàng Thảo

Cách phòng ngừa sâu bệnh cho lan Hoàng thảo

Quan điểm của mình xưa nay về chăm sóc hoa lan, luôn luôn là ‘’phòng bệnh hơn chữa bệnh’’.

Đối với dòng Hoàng Thảo cũng không ngoại lệ, các bước phòng bệnh bao gồm:

  • Kiểm tra lan thật kỹ lưỡng cây giống trước khi trồng. Xử lý cây giống bằng Physan 20 với tỉ lệ 1ml/1 lít nước, để khử vi khuẩn gây hại.
  • Thường xuyên vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng.
  • Không sử dụng giá thể trồng lan đã hư mục, cũ…
  • Quan sát vườn lan thường xuyên, để phát hiện những cây có dấu hiệu bị sâu bệnh tấn công, kịp thời cách ly và xử lí.
  • Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kì.

Cuối cùng mình sẽ trả lời câu hỏi: ‘’Vì sao lan Hoàng Thảo, được mình ưu ái viết rất nhiều bài đến vậy?’’

Thật ra, không chỉ riêng mình, mà rất nhiều người khác đều thấy: “lan Hoàng Thảo mang lại cho người chiêm ngưỡng một cảm giác rất thư thái, yên bình đến kì lạ.’’

Vậy nên, việc mình viết nhiều bài cho chi lan Hoàng Thảo, là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu số đông của người yêu lan.

Hi vọng, bài viết này đã giúp bạn có thêm kiến thức thú vị về lan Hoàng Thảo. Cũng như giúp bạn tìm được cách chăm sóc phù hợp nhất với các giống lan đã kể trên.

Chúc thành công và hẹn ở các bài chia sẻ kế tiếp!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *