Mình sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Nơi mùi cà phê thơm lẩn quất trong không khí, những tiếng cồng chiêng trầm ấm, với nền đa văn hoá của nhiều dân tộc thiểu số, sống chan hòa đoàn kết với nhau.
Không chỉ có cà phê, mà Tây Nguyên cũng được biết đến là một trong những nơi có điều kiện khí hậu rất thích hợp để các loại hoa lan sinh sôi nảy nở.
Các giống hoa lan quý có thể kể đến là: Nghinh Xuân ; Cù Lao Minh; Phi Điệp; Trầm tím, Bạch Hỏa Hoàng…
Bên cạnh những loại lan rất nổi tiếng, được biết đến rộng rãi ở trên. Còn có một loại lan rất đặc biệt! Và mọc ở một nơi cũng rất thú vị….
Mình còn nhớ, trong một lần theo chân gia đình lên rẫy thu hoạch cà phê, Thì mình tình cờ bắt gặp một giống hoa lạ, vươn lên từ cây “cà phê mít” ở vườn.
Thời điểm đó, mình không xác định được đó là giống cây gì mà chỉ cảm thấy bất ngờ vì sự khác lạ của giống cây này.
Thực vậy, giống cây này không có lá mà chỉ thấy rễ chằng chịt. Và vươn lên từ đám rễ đó là những bông hoa nhỏ, rất đẹp.
Bất ngờ thứ hai, là thật sự mình chưa từng bao giờ thấy một loại hoa nào, mà sống trên cây cà phê cả.
Sau lần đấy, mình đã lấy giống cây lạ này về trồng tại nhà. Và khi tìm hiểu kỹ thì mình mới biết nó là lan Căn Diệp.
Đây là một dòng phong lan rất độc lạ !
Vậy nên, trong bài viết hôm nay, mình sẽ thay mặt Nghiện lan để giúp bạn hiểu rõ hơn về loại lan có 1 không 2 này nhé!
Đặc điểm độc lạ mà không giống lan nào có được của lan Căn Diệp

Thật sự thì khi tìm hiểm về loại lan này, mình gặp rất nhiều khó khăn.
Vì những tài liệu viết về chúng rất ít. Trong một lần vô tình, mình may mắn biết được, đến một chi tiết rất thú vị, về cái tên của chúng.
Theo từ điển Hán Nôm, thì từ ‘’căn’’ có nghĩa là ‘’rễ cây’’. Còn từ ‘’Diệp’’ thì bao hàm nhiều nghĩa.
Có lẽ, là vì lan Căn Diệp rất độc, chúng không có lá, hoặc lá rất ít. Với bộ rễ rất phát triển, bám chắc vào thân cây để sinh trưởng.
Nên cái tên này, xuất phát từ chính đặc tính giống loài của chúng.
Bộ rễ của Căn Diệp có chức năng tích nước, các chất dinh dưỡng, đồng thời chứa diệp lục giúp cây quang hợp.
Không ai biết cái tên Căn Diệp được đặt từ khi nào? Và do ai đặt? Nhưng khi nghe cái tên này, thì mình liên tưởng đến một câu thành ngữ rất hay, đó là ‘’Lạc Diệp Quy Căn’’.
Dịch ra là ‘’Lá rụng về cội’’, hiểm nôm na là dù đi đâu, làm gì thì cuối đời ai cũng muốn trở về với cội nguồn của mình.
Nghe thì có vẻ không liên quan đến dòng hoa lan này, nhưng mình vẫn muốn chia sẻ, vì chơi lan đôi khi không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế.
Mà đó còn là giá trị tinh thần, khi mình hiểu hơn về nó. Thì trong tâm hồn mình sẽ cảm thấy thích thú và sảng khoái hơn.
Về đặc điểm của hoa, hoa Căn Diệp lên ngồng đâm thẳng ra từ tâm rễ. Hoa rất nhỏ, trông rất dễ thương, cuốn hoa dài 1,25 cm – 5cm. Thường nở vào cuối Xuân và đầu Hạ.
Căn Diệp trong vườn nhà của mình, thì mình để ý sau Tết là hoa bắt đầu nở. Màu sắc hoa cũng rất đa dạng, từ vàng chanh, cốm, đến nâu,…
Căn Diệp phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia (Java; Sumatra); Campuchia…
Ở Việt Nam loài lan này được tìm thấy ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk; Lâm Đồng…)
Giá trị không ngờ tới của lan Căn Diệp
Lan Căn Diệp, ngoài vẻ bề ngoài rất độc lạ thì chúng còn có chức năng thanh lọc không khí để mang lại cho không gian trong lành.
Ngoài ra, theo một số tài liệu thì trong Đông Y, rễ lan Căn Diệp còn biết đến như một vị thuốc trị cảm cúm, hay chiết xuất tinh dầu thơm.
Mình thấy dùng lan Căn Diệp để trang trí cũng rất hay, bạn có thể lựa chọn một nơi thích hợp nào đó trong không gian của nhà mình, treo lan Căn Diệp lên.
Kèm với đó là giá thể thân gỗ, sẽ mang lại cho bạn cảm giác thư thái, làm nổi bật ngôi nhà của bạn.
Cách trồng lan Căn Diệp đơn giản, phát triển tốt
Với đặc điểm là chỉ có rễ, đâm chằng chịt như vậy, chắc là bạn sẽ không khỏi thắc mắc là ‘’ Căn Diệp có dễ trồng không? Phải trồng lan Căn Diệp như thế nào cho đúng’’.
Để giải đáp câu hỏi trên, cùng mình đi từng bước dưới đây nhé:
Lựa chọn lan giống
Theo mình, trồng Căn Diệp ‘’khó hay dễ’’ nằm ở khâu lựa chọn lan giống.
Hiện nay, trên thị trường lan Căn Diệp được bán theo hai dạng.
- Dạng 1: Nguyên bản, rễ vẫn bám trên giá thể gỗ
- Dạng 2: Hàng rời, rễ đã được tách ra riêng biệt
Theo kinh nghiệm của mình, đối với lan Căn Diệp, bạn nên lựa chọn lan giống theo cách thứ nhất.
Với cách chọn này, bạn chỉ cần ghép tiếp cây lên giá thể mới là cây sẽ sống dễ dàng.
Ngoài ra, sau khi tiến hành ghép vào giá thể mới, rễ Căn Diệp sẽ tiếp tục phát triển rộng ra mà không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cây.

Ở lựa chọn thứ 2, mình cảm thấy đây là lựa chọn “khó nhằn” đối với người mới tập chơi lan.
Lí do là:
- Trong quá trình bóc tách khỏi giá thể, khả năng rất cao là rễ cây sẽ bị tổn thương.
- Ngoài ra khi vận chuyển, rễ cây dễ bị dập nát do chồng lấn lên nhau.
Vậy nên nếu bạn chọn cây giống theo cách thứ 2 thì cây sẽ khó hồi sức và khó sống hơn rất nhiều.
Tuy nhiên nếu bạn tự tin với kỹ năng ghép lan của mình và người bán cam kết bộ rễ còn khỏe mạnh,…thì cứ thoải mái chọn giống thôi!
Xử lý lan giống
Lan giống sau khi mua về, bạn tiến hành xử lý ngay!
Đầu tiên, bạn treo số lan Căn Diệp lên, sau đó dùng thuốc sát trùng Benkona pha với nước theo tỉ lệ 5ml/ 1 lít nước, rồi phun đều lên lan.

Benkona có tác dụng sát trùng, tiêu diệt các bào tử nấm mốc, vi khuẩn trong giá thể lan. Những loại này nếu không diệt sẽ gây thối rễ, dẫn đến chết lan.
Ngoài ra, Benkona còn có giúp trị các loại nấm mốc trắng trên giá thể lan. Mà bộ rễ của Căn Diệp lại phát triển mạnh, dựa vào giá thể để sinh sống…
… vì thế sử dụng Benkona sẽ rất phù hợp.
Lựa chọn và xử lý giá thể trồng lan Căn Diệp
Khác với các dòng lan khác, Căn Diệp có bộ rễ rất phát triển, vì thế không phải loại giá thể nào cũng có thể trồng được.
Loại giá thể phù hợp nhất sẽ là ghép vào lũa hoặc gỗ cây. Vì những loại giá thể này, rất bền theo thời gian, chúng ta không cần thay giá thể.
Mà lan Căn Diệp lại ‘’rất ghét’’ việc thay giá thể, vì mỗi lần như vậy, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bộ rễ của chúng.
Mình chọn một khúc gỗ nhãn để trồng Căn Diệp, vì nó không chứa chất chát, nhựa đắng hay tinh dầu, nên tránh được tình trạng thun đầu rễ hay teo chết.
Ngoài ra, gỗ nhãn cũng rất thông dụng, dễ tìm kiếm và giá cả thì cũng không cao.

Sau khi đã chọn được giá thể ưng ý, bạn tiến hành xử lý giá thể:
- Bước 1: Bạn cạo sạch lớp vỏ bên ngoài gỗ, sau đó dùng chà sắt chà thật sạch giá thể. Việc này giúp tiêu diệt côn trùng ẩn nấp bên trong lớp vỏ. Đồng thời, tránh bong tróc vỏ về sau, khiến rễ Căn Diệp không bám chắc được.
- Bước 2: Ngâm giá thể trong nước vôi trong, từ 3- 5 ngày, để loại bỏ triệt để các vi khuẩn nấm, mọt gỗ, sâu đục thân gỗ…
Sau khi kết thúc thời gian ngâm, bạn vớt giá thể ra, để ở nơi thoáng cho khô ráo hoàn toàn. Lúc này chúng ta có thể yên tâm ghép lan vào được rồi.
Cách Ghép lan Căn Diệp vào giá thể
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị:
- Một ít rêu rừng
- Dây rút
Cả hai loại này, bạn có thể đặt mua dễ dàng, trên các trang thương mại điện tử như: Tiki, shopee, lazada…
Chỉ cần lưu ý là rêu thì nên chọn loại đã qua xử lý rồi, về bạn ngâm qua nước một lần nữa là có thể trồng được ngay. Mình dùng thấy có rêu rừng hãng New Zita rất tiện, rễ bám cũng tốt nữa.
Còn dây rút, thì tuỳ thuộc vào thân gỗ của bạn có kích thước, đường kính như thế nào? To hay nhỏ? Bạn dựa vào đó để lựa chọn chiều dài của dây nhé!
Vì dây rút có nhiều loại, không phải loại nào cũng có chiều dài như nhau. Các kích thước dao động từ: 10cm – 25cm – 35cm – 40cm – 50cm … – 70cm.
Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên dùng loại dây có kích thước dài một chút, khoảng 50 cm là đẹp, dài còn hơn ngắn, bạn rút lại vẫn chặt bình thường.
Còn dây ngắn quá, bạn cuốn không đủ vòng để rút đâu.
Tiến hành ghép:
- Bước 1: Bạn lót 1 lớp rêu rừng mỏng lên thân gỗ, sau đó đặt khúc Căn Diệp nguyên bản lên trên, điều chỉnh làm sao cho mắt của chúng hướng ra ngoài.
- Bước 2: Dùng dây rút cuốn quanh khúc gỗ, rút cố định giá thể vào gỗ lũa. Phần này, bạn lưu ý nhé, phần dây rút cuốn quanh giá thể phải là mép ngoài của thân giá thể. Không cuốn qua phần mắt ngủ, ngồng hoa sau này sẽ phát triển từ phần mắt ngủ này, bạn bịt lại, chúng không ra hoa được đâu.
- Bước 3: Bạn cứ tiếp tục cuốn như vậy đối với các khúc Căn Diệp sau, đến khi hoàn thành. Bạn cuốn dây thưa thôi nhé, nên giữ khoảng cách để rễ có thể dễ dàng thở được. Cuốn dày quá, rễ có thể sẽ bị thối đấy. Cùng đừng siết chặt quá, đảm bảo chắc chắn là được rồi. Siết chặt quá là dập với đứt rễ ngay.
Khi cuốn đến vòng cuối cùng, thì cắt sát phần dây rút thừa cho gọn.
Vậy là chỉ 3 bước rất đơn giản, là chúng ta đã hoàn thành cách ghép lan Căn Diệp vào giá thể rồi. Mình thấy cách này rất hay, dễ thực hiện mà công cụ chuẩn bị cũng không cầu kì.
Sau này rễ cây đã bám được vào giá thể rồi, bạn dùng kéo cắt phần dây rút ra để cho thẩm mỹ cũng được, mà để nguyên cũng không vấn đề gì.
Trồng xong, bạn treo lan vào nơi thoáng mát, đừng tưới nước vội. Qua ngày sau, bắt đầu tưới đẫm nhé!
Như đã chia sẻ ở phần trên, đặc điểm của lan Căn Diệp chính là ở bộ rễ. Vì vậy trong thời gian này, bạn cũng tiến hành phun kích rễ cho lan luôn.

Hiện nay có nhiều loại kích rễ cho lan được bán trên thị trường. Và đối với lan Căn Diệp thì mình lựa chọn Superthrive và B1.
Với sự kết hợp này, chúng sẽ giúp kích rễ nhanh, khỏe, mập mạp. Đồng thời bổ sung các loại dưỡng chất cho lan.
Liều lượng sử dụng là: B1 (1 giọt) + Superthrive (3 giọt)/ 1 lít nước.
Sau đó phun đều lên rễ lan Căn Diệp. Cứ cách 5 – 7 ngày thì phun một lần. Phun đến khi bạn thấy cây phát triển rễ mới, bám vào giá thể là được.
Thời gian phun thích hợp nhất là vào sáng sớm. Và để lan hấp thu được thuốc tốt hơn, thì trước lúc phun khoảng 1 tiếng, bạn tưới nước trước cho lan nhé!
Kỹ thuật chăm sóc lan Căn Diệp giúp chúng sinh trưởng tốt
Mình thấy lan Căn Diệp nếu có khó, thì khó ở phần chọn giống, ghép cây. Còn khi cây đã bám rễ mới rồi, thì cách chăm sóc lại hết sức đơn giản.
Về cơ bản, Căn Diệp có sức sống rất mãnh liệt, và thích nghi rất nhanh với khí hậu mới. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho lan phát triển, bạn vẫn cần có một quy trình chăm sóc chuẩn.
Sau đây, sẽ là những tiêu chí giúp lan Căn Diệp có một môi trường phát triển tốt nhất.
Ánh sáng phù hợp
Ánh sáng là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của các loại cây nói chung và lan Căn Diệp nói riêng.
Đối với đặc tính của lan Căn Diệp; Chúng là loài ưa bóng, không chịu được ánh nắng trực tiếp. Nên khi chăm sóc bạn cần đặt chúng dưới những tán cây có bóng râm.
Hoặc nếu có điều kiện thì bạn nên để chúng dưới giàn lan có lưới che nắng bên trên.
Hãy điều chỉnh sao cho cường độ ánh sáng khoảng từ 40% – 50% là phù hợp nhất để chúng phát triển.
Lượng nước tưới, độ ẩm cần thiết
Lan Căn Diệp là loài lan rất ưa ẩm, chúng thích ẩm để phát triển bộ rễ mạnh hơn.
Nên khi chăm sóc chúng, bạn phải quan tâm đến độ ẩm và chế độ tưới phù hợp cho lan.
Lượng nước tưới trong quá trình chăm sóc sẽ tùy thuộc vào độ ẩm trong khu vườn nhà bạn.
Cụ thể:
- Nếu độ ẩm đạt trên 65%, thì tầm 2 – 3 ngày bạn tưới 1 lần.
- Còn nếu thời tiết khô hanh thì bạn nên tưới 1-2 lần / 1 ngày
- Thời gian tưới nên là buổi sáng hoặc chiều tối. Tránh tưới vào giờ trưa nắng nóng
Phân bón
Vì lan Căn Diệp không có lá nên chúng khá nhạy cảm với hầu hết các loại phân bón hóa học.
Không chỉ riêng Căn Diệp, mình cũng rất hạn chế sử dụng phân bón hóa học đối với lan rừng.
Vậy nên, đôi lúc mình sẽ chọn các loại phân hữu cơ như: phân dê, phân bò, phân trùn quế,….để sử dụng cho lan Căn Diệp.
Mặc dù vậy, việc sử dụng phân hữu cơ động vật có một nhược điểm là: “tính thẩm mỹ không cao”.
Căn Diệp độc đáo là ở bộ rễ, nếu đặt những túi phân tan chậm lên cây thì quả thực nhìn “mất điểm” thấy rõ.
Vì thế, mình đã chọn chế phẩm dịch chuối là giải pháp để bón cho cây.

Dùng dịch chuối tưởng không hiệu quả mà lại hiệu quả không ngờ!
Trong dịch chuối có rất nhiều dinh dưỡng, các chất trung vi lượng cần thiết cho phong lan. Nên sau khi dùng dịch chuối mình nhận thấy: Căn Diệp rất khỏe mạnh, lại còn cho hoa đều đặn hơn thông thường.
Ngoài ra, bạn còn có thể kết hợp dịch chuối với Trichoderma để tăng hiệu quả bón phân và phòng trừ nấm cho cây.

Cách kết hợp hết sức đơn giản như sau:
- Chế phẩm dịch chuối (10ml) + Trichoderma (2g)/1 lít nước
- Hòa tan hỗn hợp trên với nước, sau đó phun trực tiếp vào rễ.
- Tần suất phun phù hợp là 7 – 10 ngày/ 1 lần.
- Thời điểm phun tốt nhất là vào sáng sớm
Và đó cũng là những chia sẻ cuối cùng của mình, về loại lan rất đặc biệt này!
Nhìn chung, Căn Diệp sở hữu những đặc điểm ‘’độc lạ’’ mà không một giống lan nào có được.
Không quá rực rỡ, không quá phô trương, thậm chí vẻ ngoài có phần xù xì, giản dị,…Nhưng Căn Diệp vẫn cho ra những bông hoa vô cùng bắt mắt.
Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức về giống lan thú vị này. Còn những ai chưa biết hoặc đang đắn đo không biết chơi loại lan nào cho độc đáo, mới mẻ…
Thì Căn Diệp là sự lựa chọn rất đáng để bạn bổ sung vào bộ sưu tập lan rừng đấy!
Chúc bạn sẽ có những giò Căn Diệp thật khỏe mạnh, nở hoa rực rỡ. Xin chào! và hẹn gặp lại trong những chia sẻ tiếp theo.