Cách nhân giống lan Vanda hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí cây giống. Từ đó mà có thể sinh lời hoặc để nhân rộng làm đẹp hơn khu vườn gia đình.
Thực tế đã chứng minh: lan Vanda là giống lan có hoa đẹp và sức sống mãnh liệt. Thế nên sau khoảng 2 đến 3 năm chăm sóc, thì cây đã tốt tươi và có khả năng đẻ thêm cây con.
Đây là thời điểm rất thích hợp, để bạn chiết cây con ra bên ngoài, nhằm có thêm nhiều chậu mới.
Vậy tại sao phải tách chiết lan Vanda, mà không sử dụng các cách nhân giống lan Vanda khác?
Tất cả sẽ được Nghiện Lan, tiết lộ một cách đầy đủ nhất trong bài viết dưới đây.
Các cách nhân giống lan Vanda phổ biến
Nhân giống bằng phương pháp hữu tính

Nhân giống bằng biện pháp hữu tính, hay còn được gọi là nhân giống bằng biện pháp gieo hạt.
Đây là một trong những biện pháp, mình thấy rất ít người áp dụng. Lý do là:
- Các cây con sinh ra thường không mang đầy đủ các đặc tính cần di truyền của cây mẹ.
- Không phải cây lan Vanda nào, cũng dễ dàng đậu quả và khi quả chín thì sẽ có chất lượng tốt.
- Tỷ lệ nảy mầm của hạt lan cũng thường rất thấp, ngay cả khi được gieo trồng bằng quả chín có chất lượng tốt.
- Ngoài ra, hạt giống cần phải gặp điều kiện môi trường thật thuận lợi thì mới có thể nảy mầm.
Dẫu biết rằng nhân giống Vanda bằng hạt quá nhiều nhược điểm. Tuy nhiên, không vì thế mà ta phủ nhận hết giá trị của nó.
Thực tế là, phương pháp này cũng có những ưu điểm nhất định đó là:
- Đôi khi các hạt giống có thể xuất hiện những biến dị có tình trạng tốt hơn cây bố mẹ.
- Vậy nên nó là cơ hội để cho các nhà tạo giống, và người trồng hoa lan tuyển chọn được những giống lan quý.
Cách nhân giống lan Vanda bằng biện pháp vô tính
Đây là biện pháp mình thấy khá phổ biến hiện nay, và được hầu hết các nhà vườn có quy mô lớn áp dụng.
Với phương pháp nhân giống vô tính, người trồng lan có thể chọn 1 trong 2 hai cách đó là: tách chiết hoặc cấy mô tế bào.
Nuôi cấy mô tế bào

Nuôi cấy mô tế bào còn được gọi là nuôi dưỡng ngoài cơ thể.
Các mẫu mô tế bào phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng. Các mẫu vật có thể lấy từ các cơ quan khác nhau của cây như là: lá hoa quả rễ, mầm non,…
Phương pháp nhân giống này vừa nhanh vừa không phụ thuộc vào thời tiết. Nên có thể sản xuất quanh năm, mà vẫn cho cây giống sạch bệnh và năng suất .
Kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, tay nghề cao nên khá khó thực hiện.
Vậy nên trong bài viết hôm nay mình chỉ giới thiệu qua và không đi vào chi tiết. Nếu bạn muốn tìm hiểu đầy đủ hơn, thì mình sẽ đề cập ở một bài viết khác có tính chuyên môn cao hơn.
Nhân giống bằng biện pháp chiết tách
Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao, dễ thực hiện, nên mình đánh giá là phương pháp rất đáng để mọi người áp dụng.
Phương pháp này là tổng hợp các biện pháp kích thích cây mẹ Vanda để chúng đẻ thêm mầm.
Sau khi chúng lớn, thì ta có thể tách chiết riêng ra ngoài để trồng sang chậu khác.
Cách thức thực hiện sẽ gồm 2 giai đoạn đó là: Kích thể mầm Kie để nuôi dưỡng, và tách chiết cây con khi đã lớn.
Cách tách chiết lan Vanda đúng cách để có thêm cây giống
Giai đoạn kích kie làm cây con trên thân mẹ
Không chỉ riêng giống lan Vanda mà hầu hết các giống lan đơn thân khác tương đối khó đẻ nhánh.
Vậy nên, bạn cần phải kích thích cây mẹ để chúng đẻ mầm, rồi chăm sóc. Từ đó, mới có giống để mà tách chiết sang chậu khác.
Thông thường, tùy theo điều kiện khác nhau mà mình sẽ áp dụng 1 trong 3 cách sau đây.
#1 Tiến hành cắt ngang thân

Đây là cách làm mình đánh giá đơn giản, không tốn chi phí và khá dễ áp dụng. Với cách này, bạn sẽ làm như sau:
- Khi cây mẹ đã phát triển cao lớn thì bạn tiến hành cắt ngang phần ngọt (30 – 50 cm) có ít nhất hai tầng rễ để trồng ra ngoài.
- Phần còn lại bên dưới, bạn sẽ bôi keo liền sẹo và chăm sóc bình thường. Thì sau khoảng một thời gian nhất định, cây sẽ đẻ ra mầm mới.
#2 Dùng dây để thắt thân cây
Đây cũng là cách làm rất hay, không tốn chi phí và khá dễ áp dụng mà bạn nên thử. Với cách làm này bạn sẽ thực hiện như sau:
- Xác định vị trí mắt ngủ cần kích mầm cây.
- Dùng dây rút hoặc dây thép mảnh bọc nhựa, để siết bên trên mắt ngủ từ 1 – 2cm.
- Tiến hành chăm sóc cây như bình thường, sau khoảng 1 đến 2 tháng thì cây sẽ ra mầm non tại vị trí cần kích.
#3 Dùng thuốc kích thích
Đây là phương pháp có hiệu quả rất cao nên được hầu hết các nhà nhà vườn áp dụng.
Thuốc mà Nghiện Lan hay sử dụng đó là Keiki Duy Xanh, với cách thức thực hiện như sau:
- Thời điểm kích kei Vanda nên áp dụng là từ tháng 10 âm lịch. Vì khi đó khí hậu nóng ẩm nên hiệu quả nảy mầm rất cao.
- Pha Keiki Duy Xanh theo tỉ lệ 10 ml / 1 lít nước để tạo thành dung dịch nhỏ hoặc xịt vào nách lá lan Vanda.
- Tần suất sử dụng là 5 – 7 ngày xịt 1 lần và duy trì trong 4 tuần.
Lưu ý:
- Khi tiến hành phải xịt, hoặc nhỏ thật ướt đẫm vào vị trí nách lá ở các vị trí vừa phải.
- Không nên quá tham lam mà xịt ở tất cả nách lá, khiến cây nảy mầm quá nhiều dẫn đến suy kiệt.
Giai đoạn tách chiết cây giống Vanda ra khỏi thân mẹ
Các mầm Vanda con sau khi chăm sóc từ 3 đến 5 tháng, thì bạn có thể tách chiết để ra trồng bên ngoài.
Cách thức thực hiện nhưng sau:
- Dùng cồn hoặc dung dịch Physan để khử trùng dao hoặc kéo sắc trước khi sử dụng.
- Tiến hành lấy dao hoặc kéo cắt dứt khoát cây con có ít nhất một cặp rễ ra khỏi thân mẹ.
- Tiến hành bôi keo liền sẹo tại vị trí cắt cho cả cây con và cả cây mẹ.
- Cây con sau khi được cắt thì bạn nên treo nơi thoáng mát, để cây quen dần với môi trường mới.
Sau 2 ngày thì bạn có thể đem cây giống đi trồng và chăm sóc lan Vanda như bài viết trước đây mình đã giới thiệu.
Hi vọng với kiến thức mà nghiện Lan chia sẻ, bạn có thể áp dụng thành công, và nhân giống cho mình nhiều chậu Vanda đẹp mắt quý hiếm.
Nếu bạn có phương pháp nhân giống Vanda nào tối ưu hơn nữa.
Thì đừng quên chia sẻ cho Nghiện Lan để mình học hỏi thêm kinh nghiệm nhé!
Chúc bạn thành công!